Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Cột mốc công nghệ của nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc

Với sự hậu thuẫn từ chính phủ Trung Quốc, công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) đang từng bước vượt qua các rào cản.

Tại một nhà máy rộng lớn ở phía đông Thượng Hải, nhà sản xuất chip tiên tiến nhất Trung Quốc đang nỗ lực vượt qua lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế, hay còn gọi là SMIC, đang sản xuất những con chip với độ mỏng chỉ bằng 1/15.000 so với độ dày của một tờ giấy, với khả năng tích hợp sức mạnh tính toán để tạo ra những tiến bộ như trí tuệ nhân tạo hay mạng 5G.

Cột mốc công nghệ

Đây là điều mà chỉ một số ít công ty trên thế giới đạt được, và cũng là yếu tố quyết định đã đưa SMIC vào giữa một cuộc cạnh tranh địa chính trị quan trọng.

New York Times dẫn lời từ các quan chức Mỹ cho biết công nghệ chip tiên tiến như vậy không chỉ đóng vai trò trung tâm đối với các doanh nghiệp thương mại, mà còn đối với ưu thế quân sự.

Đây cũng là lý do khiến Mỹ phải đấu tranh để giữ những con chip tiên tiến tránh xa khỏi tay Trung Quốc. Năm 2020, Mỹ liệt SMIC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc vào danh sách hạn chế hợp tác.

Động thái này khiến nhiều khách hàng của SMIC chuyển sang đặt chip từ đối thủ do sợ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, có một điều may mắn đối với Trung Quốc là SMIC vẫn còn hàng tích trữ. New York Times nhận định việc Trung Quốc có thể tiến bộ về mặt công nghệ hay không hiện phụ thuộc hoàn toàn vào SMIC.

Được thành lập vào năm 2000 bởi Richard Chang, một người Mỹ gốc Đài Loan đã làm việc nhiều thập kỷ tại nhà sản xuất chip Texas Instruments (Mỹ) và được biết đến là cha đẻ của ngành bán dẫn Trung Quốc, SMIC mang trên mình kỳ vọng đối đầu với TSMC, nhà sản xuất chip tiên tiến lớn nhất thế giới.

Chip anh 1

Nhà máy của SMIC tại Thượng Hải. Ảnh: New York Times.

Để thu hút các kỹ sư nước ngoài, SMIC đã xây dựng một khu nhà ở, với các trường học quốc tế và nhà thờ gần nhà máy của hãng.

Chỉ trong vòng 4 năm kể từ khi thành lập, SMIC đã xây dựng các nhà máy mới với tốc độ chóng mặt và hiện là nhà máy đúc chip lớn thứ 3 trên thế giới — thuật ngữ chỉ một doanh nghiệp sản xuất chip theo dạng hợp đồng cho các công ty khác.

Thậm chí, để cạnh tranh, SMIC sẵn sàng gia công giá rẻ cho các công ty như Qualcomm, Broadcom và Texas Instruments.

Mối quan hệ của SMIC với chính phủ Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn theo thời gian. Các cổ đông lớn nhất của công ty, bao gồm China Information and Communication Technology Group, Datang Holdings và China Integrated Circuit Industry Investment Fund đều là công ty nhà nước.

Theo New York Times, đến năm 2015, khoảng một nửa số ghế trong hội đồng quản trị của SMIC thuộc về những cá nhân có quan hệ chặt chẽ với chính phủ.

Trung Quốc hiện đã đầu tư hơn 150 tỷ USD vào ngành công nghiệp chip, bao gồm một quỹ đầu tư trị giá 47 tỷ USD được công bố vào tháng 5 giúp thúc đẩy quá trình mở rộng nhà máy đáng kinh ngạc.

Theo Paul Triolo, một chuyên gia công nghệ tại Albright Stonebridge, chỉ riêng SMIC đang vận hành hơn một chục cơ sở sản xuất chip trên khắp Trung Quốc và đang có kế hoạch hoặc xây dựng ít nhất 10 cơ sở nữa.

Người hồi sinh Huawei

Vi xử lý cao cấp Kirin 9000S, được người Trung Quốc coi như bước nhảy vọt trong lĩnh vực chế tạo chip bán dẫn nội địa, đã góp phần quan trọng trong đà trở lại của Huawei sau khi công ty bất ngờ tung ra Mate 60 Pro 5G vào tháng 8/2023.

Chip anh 2

Vi xử lý cao cấp Kirin 9000S trên Huawei Mate 60 Pro 5G là sản phẩm của SMIC. Ảnh: GSMArena.

Chiếc điện thoại nhanh chóng trở thành cơn sốt ở đất nước tỷ dân, trở thành cột mốc công nghệ đã lâu mới có sau nhiều lệnh cấm từ phía Mỹ vài năm qua. Giới công nghệ quốc tế cũng bất ngờ, bởi công ty Trung Quốc chịu sự cấm vận của Mỹ, không thể tiếp cận với các kiến trúc xử lý mới và thiết bị quang khắc tinh vi.

Theo Bloomberg, chính SMIC là công ty sản xuất phiên bản chip hiện đại nhất của Huawei với công nghệ từ 2 công ty Mỹ là Apply Materials và Lam Research.

Phát hiện này đến sau khi TechInsights mở dòng điện thoại thông minh mới nhất của Huawei, họ phát hiện chiếc smartphone được trang bị bộ vi xử lý Kirin 9010 do chính công ty sản xuất tại Trung Quốc. Sau nhiều tranh cãi về hiệu năng, Huawei vẫn quyết tâm sử dụng con chip này cho Pura 70 series.

Đây cũng là phiên bản mới hơn của bộ vi xử lý Kirin 9000 do SMIC sản xuất cho Mate 60 Pro. Điều này đã khiến giới chức ở Mỹ phải thận trọng hơn, khi trước đó họ nghĩ rằng vi xử lý dựa trên tiến trình 7 nm vượt quá khả năng của các công ty Trung Quốc.

New York Times cho rằng bất chấp lệnh cấm từ Mỹ, các quy định vẫn cho phép giải quyết theo cách khác. Cụ thể, các công ty vẫn đang tiếp tục bán thiết bị kém tiên tiến hơn cho các nhà máy mới của SMIC bằng cách xin giấy phép đặc biệt và định tuyến bán hàng thông qua các công ty con và nhân viên không phải ở Mỹ.

Với những lỗ hổng này, một số chuyên gia cho rằng việc SMIC tiếp tục phát triển không phải là điều bí ẩn. "Hàng rào đã được xây cao hơn, nhưng chúng tôi quyết định để mở cổng trước, cổng bên và cổng sau", Jimmy Goodrich, cố vấn cấp cao về phân tích công nghệ của tập đoàn RAND cho biết.

Ngày nay, số lượng khách hàng Bắc Mỹ vẫn chiếm khoảng 1/6 doanh thu của SMIC. Theo số liệu từ hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng đến 53% so với cùng kỳ năm 2023.

Chip anh 3

Bên trong chiếc Huawei Pura 70. Ảnh: Tech Insights.

Trong nỗ lực mới nhất nhằm hạn chế khả năng sản xuất chip tinh vi của SMIC cho Huawei, từ cuối năm 2023, Bộ Thương mại Mỹ đã gửi hàng chục lá thư tới các nhà cung cấp linh kiện trong nước để thông báo đình chỉ giấy phép bán linh kiện cho nhà máy tiên tiến nhất của SMIC.

Các quan chức Mỹ cũng đã soạn thảo các quy tắc chặt chẽ hơn nữa và thúc đẩy các phía Hà Lan và Nhật Bản ngừng cung cấp cho các nhà máy tiên tiến nhất của SMIC.

Tuy nhiên, không dễ để thực hiện lệnh trừng phạt này vì SMIC cũng hợp tác với các công ty Mỹ và có ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này.

Vào năm 2022, khi Quốc hội Mỹ cố gắng thông qua luật cấm Lầu Năm Góc mua các sản phẩm có chứa chip SMIC, các nhà sản xuất xe hơi và công ty vũ khí đã phàn nàn rằng các thành phần này được sử dụng trong chuỗi cung ứng của họ.

"Họ dường như muốn nói một cách chính xác rằng nếu cố gắng loại bỏ SMIC khỏi hoạt động kinh doanh, các công ty Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại về tài sản thế chấp", Chris Miller - tác giả cuốn “Chip War - Cuộc chiến vi mạch” nhận định.

Những câu chuyện bên trong Apple

Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn

Thách thức với Huawei khi giã từ Android

Chiều lòng xu hướng ủng hộ sản phẩm nội địa của người dùng Trung Quốc, nhiều nhà phát triển vội vã phát hành ứng dụng cho HarmonyOS, dù chưa sẵn sàng.

Anh Tuấn

Bạn có thể quan tâm