Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Công ty xe điện Trung Quốc lỗ nặng nhưng mơ về tương lai

Trung Quốc mơ thống trị hoàn toàn ngành sản xuất xe điện và xây dựng một chuỗi cung ứng quy mô lớn cho các công ty nội địa như Nio.

Trung Quoc 'cuoc' lon vao nganh oto dien anh 1

Dạo quanh nhà máy rộng lớn của công ty sản xuất ôtô điện Nio tại thành phố Hợp Phì, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy rõ nguồn lực kinh tế khổng lồ đang được đổ vào ngành công nghiệp ôtô điện Trung Quốc.

Dàn robot 307 con nhập khẩu chủ yếu từ Thụy Điển hoạt động không ngừng. Trong ngành công nghiệp mà tốc độ có thể tiết kiệm phần lớn chi phí, dây chuyền lắp ráp hiện đại tại nhà máy sản xuất của Nio hoạt động nhanh gấp rưỡi các dây chuyền sản xuất thông thường.

Tất nhiên, hệ thống vận hành hiện đại như thế này không hề rẻ. Theo tính toán, Nio mất hàng nghìn USD trên mỗi chiếc xe hơi hãng sản xuất ra do bội chi vào các khoản xây dựng hệ thống sản xuất. Năm ngoái, các nhà đầu tư bao gồm nhiều công ty nhà nước Trung Quốc chi tổng cộng 2,7 tỷ USD để giải cứu Nio.

Theo New York Times, bất chấp chi phí đầu tư cực lớn, Trung Quốc vẫn đặt niềm tin vào ngành sản xuất ôtô điện. Bắc Kinh tin tưởng Nio, và nhiều công ty Trung Quốc khác, sẽ là tương lai của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu.

Trung Quoc 'cuoc' lon vao nganh oto dien anh 2

Xe hơi điện Nio tại triển lãm ôtô ở Thượng Hải. Ảnh: NYT.

Lỗ nặng vì đầu tư lớn

Chưa khi nào ngành công nghiệp ôtô trị giá 1.600 tỷ USD toàn cầu chứng kiến nhiều xu hướng chuyển mình như hiện tại. Tesla trở thành hãng xe hơi có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới trong năm qua nhờ niềm tin của giới đầu tư vào tương lai của các loại xe vận hành bằng điện.

Những ông lớn trong ngành ôtô như General Motors, Volkswagen cũng tin tưởng thế hệ xe hơi tiếp theo của thế giới sẽ chạy bằng pin mà không cần dùng xăng, dầu diesel hoặc các nhiên liệu hóa thạch.

Nhận ra xu hướng chuyển đổi này, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tài lực vào ngành công nghiệp ôtô điện để giúp các doanh nghiệp trong nước chiếm được lợi thế trong cuộc đua tranh. CEO Nio William Li cho rằng kỷ nguyên của những chiếc ôtô gia đình vận hành bằng điện với giá rẻ chỉ 25.000 USD trở xuống đã bắt đầu.

Trên thực tế, Nio chỉ bán được khoảng 7.200 xe trong tháng trước và chưa từng có lãi. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tiềm năng của hãng xe điện Trung Quốc. Theo NYT, giá trị vốn hóa của Nio hiện đạt 82 tỷ USD, vượt qua các ông lớn trong ngành xe hơi truyền thống như G.M. và Ford. Cổ phiếu giao dịch tại New York của Nio cũng tăng gần 30 lần trong năm ngoái.

Trung Quoc 'cuoc' lon vao nganh oto dien anh 3

Dàn robot vận hành trong nhà máy lắp ráp ôtô điện của Nio tại Hợp Phì. Ảnh: NYT.

Trên thực tế, hai thương hiệu xe điện bán chạy nhất Trung Quốc hiện nay là Tesla và Wuling Hongguang - một liên doanh xe điện giữa GM và hai công ty nhà nước Trung Quốc. Ôtô của Nio hiện nay đắt ngang Tesla. Mẫu sedan thấp nhất của Nio cũng có giá khởi điểm 58.500 USD/chiếc.

Ở phân khúc xe giá rẻ, xe Nio không cạnh tranh được với dòng Mini EV của Wuling Hongguang. Sản phẩm này có kích thước siêu nhỏ và giá bán chỉ 5.000 USD. Ngoài ra, Nio đầu tư rất lớn vào dịch vụ khách hàng. Công ty thành lập chuỗi Nio Houses, nơi khách hàng mua xe được sử dụng quán cà phê, thư viện và trung tâm chăm sóc xe hơi miễn phí.

Mặt bằng Nio Houses tại 19 thành phố ở Trung Quốc tiêu tốn chi phí lớn. Ngoài ra, công ty còn sạc pin miễn phí cho xe của khách hàng.

Với mỗi chiếc xe, Nio lỗ khoảng 11.000 USD

Các chiến dịch quảng bá đốt tiền cùng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến Nio lỗ nặng. Ước tính trong quý III/2020, với mỗi chiếc xe bán ra công ty lỗ 11.000 USD. Tình hình tài chính khó khăn khiến Nio phải bán 24% cổ phần cho các tổ chức thuộc sở hữu chính quyền tại Hợp Phì để đổi lấy 1 tỷ USD tiền mặt.

Sau đó, ngày 10/7, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tiếp tục cho hãng xe điện vay thêm 1,6 tỷ USD. Mới đây, công ty tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu tại New York, huy động 2,6 tỷ USD để tiếp tục mở rộng sản xuất.

Đại diện Nio cho biết hệ thống sản xuất của nhà máy chỉ có thể sản xuất tối đa 20 xe/giờ. Trong khi đó, nhiều dây chuyền lắp ráp ôtô khác trên thế giới có năng suất gấp đôi. Chỉ có 120 kỹ sư dưới quyền để quản lý nhà máy lắp ráp ở Hợp Phì.

Nio phải liên kết với JAC - một nhà sản xuất ôtô khác, để điều động 2.300 công nhân trong dây chuyền lắp ráp của JAC đến vận hành nhà máy Nio.

Lợi thế sân nhà và sự hậu thuẫn từ chính phủ

Hiện, Nio vẫn chưa đủ năng lực sản xuất cần thiết. Đại diện công ty cho biết: "Người mua phải chờ nhiều tháng liền mới được giao xe. Chúng tôi gần như không có xe tồn kho, đó là một thách thức lớn đối với nhà máy".

Dù đối mặt với nhiều thử thác, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc vẫn lạc quan về tương lai. Ông William Li so sánh Nio với Tesla, cho rằng công ty xe điện lớn nhất thế giới hiện nay cũng từng chìm trong khoảng thời gian khó khăn kéo dài trước khi có lãi. "Chúng tôi vui mừng cho Tesla, nhưng thành công này chỉ đến sau 17 năm", ông nói.

Sự hậu thuẫn của Trung Quốc dành cho ngành xe điện vẫn rất mạnh mẽ. Các công ty như Nio liên tục được hưởng nhiều hỗ trợ và ưu đãi từ chính sách rộng rãi từ chính quyền Bắc Kinh.

Các doanh nghiệp sản xuất ôtô điện Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn đối thủ nước ngoài tại thị trường này. Bởi Trung Quốc đã có một chuỗi cung ứng xe điện quy mô lớn. Bắc Kinh đã đầu tư vào lĩnh vực này trong suốt 14 năm qua.

Trung Quoc 'cuoc' lon vao nganh oto dien anh 4

Công nhân tại một nhà máy sản xuất ôtô điện ở Trung Quốc. Ảnh: NYT.

Từ lâu, Trung Quốc đã áp dụng quy tắc buộc các công ty đa quốc gia chuyển giao công nghệ xe điện tiên tiến cho liên doanh và các nhà sản xuất trong nước. Đây là điều kiện để công ty nước ngoài kinh doanh tại thị trường 1,4 tỷ dân. Nhờ đó, các công ty Trung Quốc nhanh chóng cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất xe điện.

Tháng 9/2020, nguyên Phó chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều bất ngờ ghé thăm gian trưng bày các dòng xe Nio tại triển lãm ôtô Bắc Kinh. Cuộc đối thoại đã tiết lộ sự quan tâm và ủng hộ của chính quyền Trung Quốc đối với ngành xe điện tại quốc gia này.

"Ông Lý đã đề xuất nhiều ý tưởng về công nghệ pin và cách thay pin thú vị cho chúng tôi", ông William Li kể.

Một lợi thế khác của các công ty xe điện Trung Quốc là quốc gia này sở hữu khoảng 70-80% nguồn cung hóa chất sản xuất pin, cực dương pin và tế bào pin toàn cầu. Trung Quốc cũng kiểm soát thị trường nam châm độ bền cao để sản xuất động cơ điện và công nghệ lắp ráp nam châm này.

Như vậy, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như Nio có khả năng tiếp cận nguồn cung giá rẻ từ các nhà sản xuất và cung cấp phụ tùng ôtô trong nước. Tháng 11/2020, Nio mua lại quyền sở hữu XPT, một công ty chuyên thiết kế và lắp ráp bộ pin và động cơ điện để giảm thiểu chi phí sản xuất.

"Trung Quốc nắm quyền kiểm soát trong chuỗi cung ứng pin toàn cầu", ông Vivas Kumar, cựu quản lý nguyên liệu pin tại Tesla cho biết.

Nợ nần chồng chất, kinh tế Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Năm 2020, Trung Quốc đã tung gói cứu trợ lớn để vực dậy nền kinh tế trong thời kỳ dịch. Tuy nhiên, điều này có thể tạo rủi ro "tê giác xám" đe dọa hệ thống tài chính của nước này.

Mỹ bắt tay với đồng minh tạo chuỗi cung ứng 'không Trung Quốc'

Với sắc lệnh mà Tổng thống Joe Biden chuẩn bị ký, Mỹ muốn đẩy nhanh hợp tác với các đồng minh để xây dựng một chuỗi cung ứng không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bùi Ngọc

Bạn có thể quan tâm