Chủ sở hữu của Uniqlo đạt lợi nhuận kỷ lục. Ảnh: The Japan Times. |
Hôm nay, Fast Retailing - công ty sở hữu thương hiệu Uniqlo (Nhật Bản) công bố lợi nhuận hoạt động đạt 297,3 tỷ yen (2,02 tỷ USD) trong 12 tháng tính đến hết tháng 8. Đây là số liệu lớn nhất đến nay. Kỷ lục cũ của hãng là 263 tỷ yen vào năm 2019. Con số này vượt dự báo của giới phân tích và tăng mạnh so với 249 tỷ yen cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu của Fast Retailing tăng mạnh nhờ thị trường quốc tế, đặc biệt là Bắc Mỹ. Doanh thu từ Bắc Mỹ khi đổi sang đồng yen lại càng tăng, do yen gần đây mất giá. Công ty ghi nhận khoản lãi ngoại hối 114,3 tỷ yen do đồng tiền của Nhật Bản mất giá. Yen Nhật sáng nay xuống thấp nhất trong vòng 24 năm so với đồng USD.
Hãng thời trang lớn nhất châu Á đang chuyển hướng tập trung sang các thị trường như Bắc Mỹ và châu Âu. Những khu vực này có triển vọng tương đối ổn định, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và đại dịch ở Trung Quốc vẫn phủ bóng lên ngành thời trang toàn cầu.
Trong khi đồng yen giảm giá đã thúc đẩy doanh số Uniqlo toàn cầu, giám đốc điều hành Tadashi Yanai có vẻ bi quan về tác động tổng thể đối với nền kinh tế Nhật Bản. "Tôi nghĩ rằng cuộc sống của những người bình thường chắc chắn đang trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi thì khó lòng giữ nguyên giá sản phẩm khi đồng yen yếu và giá nguyên liệu thô đang tăng cao", ông Yanai chia sẻ.
Doanh thu của Fast Retailing tại Trung Quốc đại lục tăng nhẹ trong khi lợi nhuận giảm 17% trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt liên quan đến chính sách Zero Covid. Doanh số bán hàng tăng ở thị trường này tăng từ quý 4 khi các hạn chế được nới lỏng.
Năm nay, cổ phiếu Fast Retailing đã tăng 21%, mạnh hơn so với 8,9% của chỉ số Nikkei 225. "Các yếu tố giúp cổ phiếu Uniqlo không đi xuống là sức tăng trưởng tại Bắc Mỹ và đồng yen yếu. Dù vậy, những lợi thế này đang bị đe dọa vì rủi ro suy thoái toàn cầu và lạm phát", Oshadhi Kumarasiri - nhà phân tích tại LightStream Research nhận định.
Năm tới, hãng dự kiến lợi nhuận hoạt động đạt 350 tỷ yen (2,4 tỷ USD) và doanh thu ròng 2.650 tỷ yen. Nguyên nhân là nhu cầu quần áo giá rẻ tại Nhật Bản tăng lên và đồng yen yếu tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận từ nước ngoài.