Theo Nikkei Asian Review, doanh thu năm 2020 của Sea dự kiến tăng gấp đôi nhờ nhu cầu thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến mạnh mẽ. Trong ba quý đầu năm 2020, Sea báo cáo doanh thu 2,8 tỷ USD, tăng gấp đôi so với một năm trước đó. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn gánh khoản khoản lỗ ròng 1,09 tỷ USD, giảm từ 1,17 tỷ USD năm 2019.
Nền tảng Shopee của Sea phát triển mạnh trong bối cảnh đại dịch, trở thành trang thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất ở những nước mà nền tảng hoạt động. Là công ty công nghệ Đông Nam Á hiếm hoi niêm yết trên sàn Mỹ, Sea thu hút sự chú ý lớn từ thị trường trong năm 2020.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng tập đoàn sẽ trở thành Alibaba hoặc Tencent của Đông Nam Á trong tương lai. Trong năm 2020, giá cổ phiếu của Sea tăng hơn 500%, trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất trong số các công ty niêm yết lớn của châu Á. Công ty hiện được định giá 126 tỷ USD, lớn hơn 100 tỷ USD của Uber Technologies.
Doanh thu và lỗ ròng của Sea từ năm 2016 đến năm 2020. Ảnh: Nikkei. |
Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu gia tăng đã kéo tụt giá cổ phiếu của Sea hơn 10% từ mức đỉnh hôm 19/2. Một trong những trọng tâm năm 2021 của Sea là kiếm lợi nhuận. Kể từ khi niêm yết hồi năm 2017, công ty chưa bao giờ báo lãi.
Theo báo cáo của DBS Group Holdings của (Singapore), trong quý III/2020, Sea đã tăng phí hoa hồng đối với người bán trên nền tảng Shopee ở một số thị trường. Tại Việt Nam, tỷ lệ hoa hồng được nâng từ 1-2% lên 3-5% tùy vào sản phẩm.
Nhà phân tích Sachin Mittal của DBS cho biết động thái trên nhằm "cải thiện khả năng kiếm tiền". Thu nhập từ phí hoa hồng chiếm phần lớn doanh thu của Shopee.
Tuy nhiên, việc cải thiện khả năng sinh lời không dễ dàng đối với nền tảng. Do Đông Nam Á là thị trường có tính cạnh tranh cao. Hai startup kỳ lân Indonesia Gojek và Tokopedia đang đàm phán sáp nhập. Ứng dụng Grab cũng vừa giành được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số của Singapore và là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Cạnh tranh gia tăng sẽ khiến cả hai kế hoạch tăng trưởng và kiếm lợi nhuận của Shopee gặp rủi ro
- Các nhà phân tích của JPMorgan
Theo các nhà phân tích của JP Morgan, cuộc đua giành thị phần khốc liệt có thể khiến kế hoạch tăng trưởng và kiếm lợi nhuận của Shopee gặp rủi ro.
"Shopee đã bắt đầu kiếm tiền từ nền tảng trên nhiều thị trường và giảm khuyến mãi phí vận chuyển. Chúng tôi cho rằng lợi nhuận sẽ tăng lên và mức độ đốt tiền có thể giảm xuống. Tuy nhiên, cạnh tranh gia tăng sẽ khiến cả hai kế hoạch gặp rủi ro", các nhà phân tích bình luận.
Shopee cũng đối mặt với một số vấn đề khác. Mới đây, Báo cáo "Các chợ phi pháp mua bán sản phẩm giả mạo sở hữu trí tuệ và đánh cắp bản quyền năm 2020" của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết những đơn vị nắm bản quyền phản ánh tình trạng hàng giả được bán trên các nền tảng thương mại điện tử của Shopee ở Đông Nam Á.
Shopee bị cáo buộc không có thủ tục điều tra với bên bán hàng thứ ba, không có công cụ ngăn chặn những cá nhân, tổ chức từng bị phát hiện vi phạm tiếp tục bán hàng trên nền tảng.
Theo USTR, việc đóng tài khoản bán hàng giả trên Shopee chỉ được thực hiện sau khi chủ tài khoản nhiều lần vi phạm với mức độ trắng trợn. Shopee không lên tiếng phản hồi về cáo buộc này.