Genesis là công ty con của Tập đoàn Digital Currency Group. Ảnh: Genesis. |
Theo CNBC, Công ty cho vay tiền điện tử Genesis đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 19/1 tại Tòa án liên bang Manhattan. Đây là “nạn nhân” tiếp theo của cuộc khủng hoảng tiền mã hóa sau khi sàn giao dịch FTX sụp đổ. Sự kết thúc của Genesis là một đòn giáng mạnh vào Tập đoàn Digital Currency Group (DCG).
Công ty đã liệt kê hơn 100.000 chủ nợ trong hồ sơ phá sản. Cùng với đó là tổng số nợ phải trả từ 1,2 tỷ USD đến 11 tỷ USD.
“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy đối thoại với DCG và các cố vấn của chủ nợ. Trong khi đó, chúng tôi sẽ tìm cách tối đa hóa giá trị và tạo cơ hội tốt nhất để doanh nghiệp phát triển trong tương lai”, ông Derar Islim, Giám đốc điều hành tạm thời của Genesis, tuyên bố.
Các chủ nợ của Genesis bao gồm sàn giao dịch Gemini với khoản vay 765,9 triệu USD. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn nợ thêm Công ty Donut và quỹ VanEck số tiền lần lượt là 78 triệu USD và 53,1 triệu USD.
Ông Cameron Winklevoss, nhà đồng sáng lập Gemini, viết trên Twitter rằng ông Barry Silbert, CEO của DCG “tiếp tục từ chối việc đưa ra các thỏa thuận công bằng đối với các chủ nợ”.
“Chúng tôi đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để trực tiếp chống lại Barry, DCG và những người khác”, ông Cameron Winklevoss khẳng định.
Genesis đang đàm phán với các chủ nợ được đại diện bởi các công ty luật gồm Kirkland & Ellis và Proskauer Rose. Trước đó, nhiều cái tên đình đám trong giới tiền mã hóa đã lần lượt phá sản như BlockFi, FTX, Celsius và Voyager.
Sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX đã đóng băng thị trường và khiến nhà đầu tư trên toàn thế giới ồ ạt rút tiền. Theo The Wall Street Journal, sau cuộc khủng hoảng của FTX, Công ty Genesis đã buộc phải kêu gọi một khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 1 tỷ USD. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã bất thành trong công cuộc tìm kiếm sự trợ giúp.
Công ty có trụ sở tại New York đã mở rộng các khoản vay tiền mã hóa đối với quỹ đầu tư Three Arrows Capital (3AC) và Alameda Research, quỹ phòng hộ do cựu CEO của FTX thành lập.
3AC đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 7/2022, thời điểm tiền mã hóa đang trong giai đoạn "mùa đông". Trước đó, Genesis đã cho 3AC vay hơn 2,3 tỷ USD. Còn với Alameda Research, Công ty Genesis đã có khoản đầu tư 2,5 tỷ USD tại đây. Sau khi FTX phá sản vào tháng 11 năm ngoái, Genesis cho biết số tiền khoảng 175 triệu USD của công ty đã bị khóa trên sàn giao dịch này.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.