Chi phí năng lượng tăng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp châu Âu phụ thuộc vào dầu và khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga để hoạt động. Giờ đây, trước tình trạng chi phí năng lượng tăng chóng mặt, các nhà sản xuất ở lục địa già đang mất dần khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Đồng thời, họ cũng phải đối mặt với mối đe dọa rằng Moscow có thể đột ngột cắt đường ống dẫn khí đốt bất cứ lúc nào, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ.
Các nhà sản xuất hóa chất, phân bón, thép và hàng hóa sử dụng nhiều năng lượng khác của châu Âu đã chịu áp lực trong nhiều tháng qua. Một số đã đóng cửa trước sức ép cạnh tranh từ các nhà máy ở Mỹ, Trung Đông và khu vực khác, nơi giá năng lượng thấp hơn nhiều so với châu Âu.
“Nhìn chung, mối lo ngại lớn đối với châu Âu là nhập khẩu ngày càng tăng, trong khi xuất khẩu giảm”, ông Marco Mensink, tổng giám đốc của tập đoàn thương mại công nghiệp hóa chất Cefic, cho biết.
Không thể sản xuất nếu thiếu khí đốt
Chi phí năng lượng cao được dự báo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế nói chung của khu vực châu Âu trong năm nay.
Việc Nga cắt đứt nguồn cung cũng có thể khiến ngành công nghiệp châu Âu rơi vào thế bất lợi trong cạnh tranh lâu dài, trừ khi các nhà sản xuất có thể triển khai những công nghệ giúp giảm mạnh mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của họ.
Tuy nhiên, phần lớn công nghệ trong số này, chẳng hạn công nghệ sử dụng năng lượng gió và mặt trời, đòi hỏi các khoản đầu tư lớn và vẫn cần nhiều năm nữa mới có thể sử dụng trong thương mại.
Việc thích ứng với giá năng lượng cao phụ thuộc vào khả năng tìm kiếm nguồn cung thay thế. Ảnh: AP. |
Các nhà sản xuất phụ thuộc vào khí tự nhiên như một nguồn năng lượng và nguyên liệu thô trong sản xuất. Ở châu Âu, khí đốt tự nhiên thường định giá điện, do đó, khi giá khí đốt tăng, các nhà máy sẽ phải chịu mức tăng gấp đôi.
Trong đó, amoniac là sản phẩm nhạy cảm nhất, chiếm khoảng 70% lượng khí đốt mà châu Âu sử dụng làm nguyên liệu. Hầu hết lượng amoniac này được sử dụng để làm phân bón.
Các công ty có thể thích ứng với giá năng lượng cao hay không phụ thuộc vào khả năng tìm kiếm nguồn cung thay thế trên toàn cầu. OCI NV, một nhà sản xuất phân bón có trụ sở tại Amsterdam, đã giảm sản lượng amoniac tại nhà máy ở Hà Lan để thay thế bằng hóa chất nhập khẩu từ các chi nhánh ở Texas, Ai Cập và Algeria, Giám đốc điều hành Ahmed El-Hoshy cho biết.
Động thái tiết chế sản xuất của các ngành công nghiệp “đói năng lượng” đã làm giảm áp lực ngắn hạn đối với nguồn cung khí đốt tự nhiên, giúp tăng cường sản xuất điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà trong mùa đông tới.
OCI thường chỉ nhập khẩu một lượng lớn amoniac vào châu Âu trong mùa đông khi giá khí đốt tăng cao nhất. Tuy nhiên, “bây giờ tháng nào cũng là một tháng mùa đông”, ông El-Hoshy nói.
Các nhà sản xuất phân bón khác đã quyết định đóng cửa những nhà máy không thể nhập khẩu amoniac từ nước ngoài, chẳng hạn CF Industries Holdings Inc.
“Là một nhà sản xuất chi phí cao trong một ngành công nghiệp toàn cầu cạnh tranh gay gắt, chúng tôi nhận thấy những thách thức đáng kể đối với tính bền vững lâu dài từ cách tiếp cận hoạt động hiện tại”, ông Brett Nightingale, giám đốc điều hành chi nhánh tại Anh của CF, cho biết.
Trong khi đó, các nhà sản xuất thép châu Âu đã cắt giảm sản lượng kể từ tháng 10/2021 để tiết kiệm tiền cho khí đốt và điện. Vào tháng 3, giá điện tăng cao ở Tây Ban Nha đã khiến các nhà sản xuất thép phải giảm sản lượng hoặc đóng cửa hoàn toàn.
“Điều này hoàn toàn điên rồ”, Miguel Ferrandis Torres, giám đốc tài chính của Acerinox SA có trụ sở tại Madrid, cho biết.
Trong bối cảnh đó, các ngành công nghiệp đã vận động các nhà chức trách và chính phủ châu Âu đảm bảo rằng họ sẽ tiếp cận được khí đốt từ nguồn cung khác nếu Nga ngừng vận chuyển nhiên liệu này.
"Với Nga, không ai biết điều gì sẽ xảy ra", Jacob Hansen, Tổng giám đốc Fertilizers Europe, nhóm vận động hành lang chính của ngành, cho biết. “Chúng tôi không thể sản xuất bất kỳ loại phân bón nào nếu không có khí đốt”.
Lường trước khó khăn
Nếu Nga ngừng dòng khí đốt sang Đức, nước này sẽ ưu tiên cho các hộ gia đình tư nhân, cũng như các sơ sở quan trọng bao gồm bệnh viện, đồn cảnh sát và doanh trại quân đội.
Do đó, các công ty công nghiệp lớn sẽ phải đối mặt với tình trạng gián đoạn và bị giới hạn bởi sự phân bổ năng lượng, dẫn đến nguy cơ mất hàng nghìn việc làm.
Các thiết bị chứa khí đốt tự nhiên tại bến cảng ở Hamburg, Đức, vào ngày 19/4. Ảnh: AP. |
Tại Đức, quyết định phân bổ khí đốt như thế nào sẽ thuộc về Cơ quan Mạng lưới Liên bang - phụ trách quản lý năng lượng.
Cơ quan này đã thành lập một nhóm xử lý khủng hoảng gồm 65 người, dự kiến làm việc suốt ngày đêm trong trường hợp khẩn cấp nếu nguồn cung khí đốt đột ngột bị cắt đứt. Họ sẽ quyết định mức năng lượng phân bổ cho các công ty dựa trên dữ liệu tiêu thụ đã thu thập được.
“Chúng tôi sẽ xem xét khả năng ứng phó của các công ty với vấn đề này. Công ty nào có thể tồn tại trong tình trạng gián đoạn hay cắt giảm khí đốt, và công ty nào chắc chắn không thể”, ông Klaus Müller, người đứng đầu cơ quan này, cho biết.
Ông Müller và nhóm xử lý khủng hoảng cũng sẽ xem xét các yếu tố như vị trí địa lý và cách vận chuyển khí đốt.
“Chúng tôi cố gắng lường trước tất cả những yếu tố này, nhưng vẫn (hy vọng) không phải đối mặt với tình huống (xấu nhất)”, ông nói.
Trong khi đó, theo ông Mensink, các nhà máy muốn thay thế điện sản xuất từ khí đốt bằng điện từ năng lượng tái tạo, nhưng nguồn cung năng lượng gió và mặt trời không đủ để đáp ứng nhu cầu.
“Chúng tôi đang cố gắng hết mức có thể cho việc sản xuất, nhưng thực tế là châu Âu sẽ phải đầu tư và xây dựng nhiều hơn nữa”, ông nói.
Các nhà sản xuất thép châu Âu đang cam kết đại tu nhà máy để sử dụng hydro thay vì khí tự nhiên làm nguyên liệu thô.
“Nhưng vẫn cần nguồn cung khí đốt ngoài Nga khi không có cơ sở hạ tầng hydro với chi phí hợp lý”, ông Axel Eggert, người đứng đầu nhóm vận động hành lang thép châu Âu Eurofer, cho biết.