Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Công ty bị xử lý ra sao nếu trong thực phẩm có chất cấm?

Theo luật sư, tùy thuộc tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, nhà sản xuất thực phẩm có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng hoặc phạt tù tối đa 20 năm.

Thủ tướng mới đây đã yêu cầu Bộ Công thương kiểm tra, báo cáo sau khi mỳ ăn liền Hảo Hảo của Công ty Acecook bị phát hiện và thu hồi tại Ireland do chứa Ethylene Oxide, chất có khả năng gây ung thư.

Do mỳ Hảo Hảo là sản phẩm được sử dụng rộng rãi, sự việc này khiến nhiều người quan tâm.

Liệu Ethylene Oxide có nằm trong danh mục chất cấm sử dụng trong thực phẩm tại Việt Nam? Và nếu trong thực phẩm có chất cấm, đơn vị sản xuất có thể bị xử lý ra sao?

Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa

Ethylene Oxide là chất được sử dụng rộng rãi với tác dụng tiệt trùng các vật tư, dụng cụ trong lĩnh vực y tế, thiết bị chăm sóc sức khỏe, diệt vi sinh vật trong một số loại gia vị, rau sấy… do có tính khử trùng tốt.

Thông tư 50/2016/TT-BYT đã quy định giới hạn tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm và phụ lục đính kèm thông tư đã liệt kê các chất và mức tồn dư tối đa tương tự. Ethylene Oxide không được liệt kê tại phụ lục này, do đó, có thể hiểu đây là chất không được phép tồn dư trong thực phẩm.

Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định hành vi sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hành vi bị cấm.

Tùy thuộc tính chất, mức độ hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Trường hợp gây thiệt hại, họ phải bồi thường và khắc phục hậu quả.

Dưới góc độ hành chính, đơn vị sản xuất có thể bị xử phạt về hành vi Vi phạm quy định về sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm theo Điều 6 Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt tiền áp dụng là 40-100 triệu đồng, tùy thuộc giá trị sản phẩm vi phạm.

Trường hợp áp dụng mức phạt tối đa (100 triệu đồng) mà số tiền phạt vẫn thấp hơn 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm thì sẽ áp dụng mức phạt bằng 5-7 lần giá trị sản phẩm vi phạm, theo quy định tại Khoản 5, Điều 6 nghị định này.

Ngoài ra, đơn vị sản xuất còn bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong 3-12 tháng và tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm 20-24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm.

Về biện pháp khắc phục hậu quả, công ty bị buộc sản phẩm vi phạm hoặc buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm.

Dưới góc độ hình sự, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, người nào sử dụng chất cấm, chưa được phép sử dụng, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm có thể bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.

Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa 500 triệu đồng hoặc phạt tù 3-20 năm, tùy thuộc tình tiết định khung hành vi phạm tội.

Trường hợp hành vi phạm tội gây thiệt hại, nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần chứng minh được thiệt hại tới sức khỏe, vật chất, tinh thần do việc sử dụng thực phẩm vi phạm gây ra thì mới có thể yêu cầu đơn vị sản xuất bồi thường.

Người điều chế thuốc điều trị Covid-19 giả đối diện hình phạt nào?

Theo luật sư, người sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng hoặc đối diện mức án cao nhất là tử hình, tùy vào tình tiết định khung hành vi phạm tội.

Dùng xe 'luồng xanh' chở đồ không thiết yếu, tài xế bị xử lý ra sao?

Theo luật sư, mức phạt áp dụng với tài xế vi phạm là 5-10 triệu đồng. Trường hợp làm lây lan dịch bệnh, người liên quan có thể bị xử lý hình sự.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm