Nhật Bản là một trong 5 đối thủ của tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup. Đây cũng là đối thủ có nhiều duyên nợ với cá nhân Công Phượng. Từ thời điểm bắt đầu sự nghiệp cho đến những bước có cả thành công lẫn thất bại của Phượng, tuyển Nhật Bản, các CLB Nhật, những người Nhật luôn có một vị trí đặc biệt.
Công Phượng đối đầu U19 Nhật Bản tại giải Đông Nam Á hồi tháng 9/2014 ở Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến. |
Giải châu lục đầu tiên đến lần xuất ngoại đầu tiên
Công Phượng nổi lên cùng lứa U19 Việt Nam hồi năm 2013. Trong 2 năm khoác áo U19, Nhật Bản là đối thủ Phượng chạm mặt nhiều nhất. Anh gặp những người Nhật lần đầu ở giải U19 Quốc tế tại TP.HCM tháng 1/2014, chạm mặt họ thêm 2 lần tại U19 Đông Nam Á ở Hà Nội tháng 9 cùng năm. Tới tháng 10, ngay ở trận đầu tiên tại U19 châu Á 2014, Phượng lại cùng U19 Việt Nam gặp Nhật Bản.
Bốn lần đối đầu ấy là bốn thất bại. Nhưng đó là những thất bại đáng nhớ. Đối đầu ở TP.HCM là lần đầu tiên, lứa Công Phượng cảm nhận được chênh lệch giữa họ và nền bóng đá số một châu Á. Trận đó, U19 Nhật Bản thắng 7-0. Takumi Minamino, người sẽ được so sánh khá nhiều với Phượng trong vài năm kế tiếp, ghi một cú đúp tại trận đó.
Hai lần gặp ở Mỹ Đình cho thấy sự tiến bộ của U19 Việt Nam khi đội chỉ thua 2-3 và 0-1 trước Nhật Bản ở vòng bảng và chung kết. Cá nhân Công Phượng ghi một bàn từ chấm 11 m.
Lần thứ tư gặp nhau ở U19 châu Á 2014 chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của Công Phượng và đồng đội. Trước đội hình mạnh nhất của U19 Nhật Bản, U19 Việt Nam đã kiên cường chiến đấu. Tới phút 90, tỷ số vẫn là 1-1 trước khi U19 Nhật Bản có thêm 2 bàn để giành thắng lợi 3-1.
Thông qua những trận đấu đó, Công Phượng đã phần nào được biết tới ở Nhật Bản. Bầu Đức cũng xây dựng được mối quan hệ rộng rãi với bóng đá Nhật. HAGL từng không ít lần định mời cựu HLV U19 Nhật Bản Masakazu Suzuki về dẫn dắt CLB.
Bản thân Công Phượng tiếp tục “nên duyên” với bóng đá Nhật vào năm 2016 khi xuất ngoại lần đầu tới CLB Mito Hollyhock tại J2 League. Thẳng thắn mà nói, đây là chuyến đi thất bại với cá nhân Công Phượng. Anh không để lại dấu ấn gì về mặt chuyên môn dù sự kỳ vọng là rất lớn. Cả mùa giải, Phượng chỉ có 80 phút ra sân trong 5 trận.
Công Phượng và màn đấu tay đôi đáng nhớ với Maya Yoshida khi đó đang khoác áo Southampton. Ảnh: Minh Chiến. |
Giấc mơ châu Âu bắt đầu từ Nhật Bản
Tới Asian Cup 2019, Nhật Bản một lần nữa trở thành chương quan trọng trong sự nghiệp của Công Phượng. Khi tiền đạo kỳ cựu Nguyễn Anh Đức không ra sân, HLV Park Hang-seo tin tưởng Phượng ở vị trí tiền đạo cắm. Anh đã không làm ông thầy khó tính thất vọng với 2 bàn tại giải châu Á cùng màn trình diễn đặc biệt trước Nhật Bản ở tứ kết.
Trước một Maya Yoshida đầy bản lĩnh, vẫn ra sân đều đặn hàng tuần tại Premier League, Công Phượng tự tin đi bóng, gây khó dễ cho đối thủ. Ít nhiều, nỗ lực của Công Phượng tạo ra khoảng trống và cơ hội để đồng đội có thể chơi bóng dễ dàng hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là trận đấu hay nhất của Phượng trước các đối thủ đẳng cấp châu lục.
Chính màn trình diễn ấy đã mang tới tấm vé thông hành cho Công Phượng đến trời Âu. Anh chuyển sang chơi cho Sint-Truidense, một đội bóng tầm trung ở Bỉ, được sở hữu bởi người Nhật. Đây được xem là trạm trung chuyển của nhiều cầu thủ Nhật Bản trước khi chuyển tới các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu.
Trong buổi lễ ký hợp đồng của Công Phượng với Sint-Truidense, Chủ tịch CLB Takayuki Tateishi nói: “Chúng tôi biết đến Phượng khi cậu ấy đến J2 League nhưng gặp khó khăn. Tôi theo dõi cậu ấy và nhận ra Phượng trưởng thành rất nhiều sau thất bại. Đặc biệt, màn trình diễn tại Asian Cup 2019 là cơ sở để ban huấn luyện và lãnh đạo Sint-Truidense quyết định chọn Công Phượng cho thử thách này”.
Tháng 11 này, Công Phượng và tuyển Việt Nam sẽ lại đụng độ Nhật Bản ở một giải đấu lớn. Vòng loại thứ ba World Cup 2022 là nơi các đội bóng sẽ phô diễn những gì tốt nhất có thể. Lần này, người Nhật sẽ mang tới bước ngoặt nào cho sự nghiệp của Phượng?