Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nghiệp ô tô Việt có tương lai?

Trước sức ép hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhiều nhà sản xuất ôtô Việt Nam có cái nhìn khá bi quan về thị trường. Song vẫn có doanh nghiệp kiên trì đầu tư vào lĩnh vực này.

Công nghiệp ô tô Việt có tương lai?

Trước sức ép hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhiều nhà sản xuất ôtô Việt Nam có cái nhìn khá bi quan về thị trường. Song vẫn có doanh nghiệp kiên trì đầu tư vào lĩnh vực này.

>> Xe sang vẫn bán chạy bất chấp kinh tế khó khăn

Thị trường ôtô hiện đang ảm đạm, không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh sản phẩm ứ đọng, phải sản xuất cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất. Trong buổi làm việc mới đây giữa Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại diện VAMA cho rằng, các chính sách liên quan đến quản lý, điều tiết sử dụng ôtô. Đơn cử như đề xuất áp dụng một số loại phí đối với các phương tiện giao thông, đang khiến sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp sản xuất ôtô sụt giảm nghiêm trọng.

Khó, nhưng vẫn có cơ hội

Do ôtô bị xếp vào diện "không khuyến khích tiêu dùng" nên đến nay, tổng sản lượng thị trường ôtô sản xuất trong nước vẫn chỉ loanh quanh con số hơn 100.000 xe/năm. Con số này lại phải chia cho khoảng 20 doanh nghiệp.

Trong khi đó, năm 2018 - thời điểm mà theo cam kết hội nhập, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN sẽ giảm xuống còn 0% - đã rất gần. Không phải hoàn toàn không có cơ sở khi có nhiều ý kiến cho rằng, hiện không còn đủ thời gian để áp dụng chính sách hỗ trợ khuyến khích và công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ phá sản. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhìn nhận, dù rất khó, song nếu cố gắng và quyết liệt, công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn còn cơ hội, thậm chí vẫn có thể cạnh tranh tốt trong khu vực Đông Nam Á.

Bằng chứng là hiện vẫn có những doanh nghiệp kiên trì bỏ tiền đầu tư sản xuất ôtô. Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) là một ví dụ. Đây là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam tham gia sản xuất, lắp ráp nhiều dòng xe: xe tải, xe bus, xe du lịch. Không chỉ lắp ráp sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Kia, Hyundai, mới đây Thaco đã chính thức công bố đầu tư vào Công ty Vina Mazda, doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp các thương hiệu xe Mazda tại Việt Nam. Không dừng ở đó, Thaco vừa bỏ ra 3,5 triệu USD mua lại 51% cổ phần công ty sản xuất xe chuyên dụng Soosung của Hàn Quốc với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường sản xuất xe chuyên dụng tại Việt Nam như: xe ép rác, xe trộn bê tông, xe cứu hộ, xe thang, xe cẩu... Một thị trường hầu như còn bỏ ngỏ cho nhập khẩu, rất ít doanh nghiệp sản xuất lắp ráp nhòm ngó tới.

Tính bài toán dài hơi hơn, Thaco đang tích cực triển khai dự án nhà máy sản xuất động cơ với Hyundai tại khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Dự án ước tính lên tới 205 triệu USD. Tất nhiên với dự án này, nhà đầu tư sẽ được chính phủ hỗ trợ bằng các chính sách ưu đãi đối với dự án cơ khí công nghiệp trọng điểm. Có được sự hỗ trợ, nhà máy động cơ phát triển sẽ tạo cho Thaco sự chủ động bước đi vững chắc trong việc lắp ráp ôtô tại Việt Nam, tham gia hai chiều vào chuỗi liên kết trong khu vực và toàn cầu…

Thậm chí nhiều nguồn tin cho thấy, Thaco còn đang tính đến việc mang về Việt Nam một thương hiệu ôtô nổi tiếng khác, được tiếng là "quý phái, cổ điển" đã khá quen thuộc tại Việt Nam. Rõ ràng doanh nghiệp này ngày càng thể hiện quyết tâm và nỗ lực đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, phân phối ôtô tại Việt Nam, một lĩnh vực nhiều doanh nghiệp FDI đang than khó, muốn bỏ cuộc. Bên cạnh Thaco, nhà máy liên doanh sản xuất lắp ráp các sản phẩm của Nissan cũng đang được khẩn trương hoàn tất tại Đồng Nai. Vinaxuki, tuy không rầm rộ, nhưng vẫn miệt mài với "giấc mơ" sản xuất ôtô mang thương hiệu Việt.

Bất đồng về quan điểm quản lý

Công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn còn cơ hội, thậm chí vẫn có thể cạnh tranh tốt trong khu vực Ðông Nam Á

Tuy vẫn nỗ lực đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô, song đại diện một doanh nghiệp phàn nàn rằng, các chính sách quản lý lĩnh vực này đang có cảnh "trống đánh xuôi kèn thổi ngược". Trong khi Bộ Công Thương đang tập trung xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với mục tiêu "phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước" thì Bộ Giao thông Vận tải lại đang đề xuất các chính sách hạn chế sử dụng ôtô (mặc dù Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa khẳng định: "mong muốn ngành ôtô Việt Nam phát triển" tại phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức đầu tuần qua). Thực tế là việc hạn chế sử dụng ôtô chỉ là giải pháp trước mắt để hạn chế tình trạng ùn tắc ở một vài đô thị lớn. Về lâu dài, Việt Nam vẫn cần phải phát triển ngành công nghiệp ôtô. Đây là lĩnh vực đang đóng góp cho ngân sách rất lớn.

Không trả lời chính xác câu hỏi "mỗi năm các thành viên của VAMA đóng góp cho ngân sách nhà nước bao nhiêu tiền thuế", tân Chủ tịch VAMA đồng thời là TGĐ Ford Việt Nam, đưa ra một ví dụ. Theo phương án của Bộ Giao thông Vận tải, nếu áp dụng thu phí hạn chế các phương tiện tham gia giao thông, mỗi năm nguồn phí này sẽ thu về từ 80-100 triệu USD. Song con số này còn thua xa số tiền mà Ford Việt Nam đóng góp cho ngân sách tỉnh Hải Dương mỗi năm. Trong khi số hội viên của VAMA hiện đã là 18 doanh nghiệp. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, 60% nguồn thu ngân sách đến từ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô và xe máy đóng trên địa bàn. Chính phủ chắc chắn sẽ cân nhắc kỹ trước mỗi động thái có tác động đến ngành ôtô.

Xa hơn, nếu không sản xuất mà hoàn toàn trông vào nhập khẩu, Việt Nam khó có thể cân bằng được cán cân thương mại khi mà mỗi năm ước tính phải bỏ ra 12-15 tỷ USD để nhập khẩu xe nguyên chiếc. Sẽ là viễn cảnh rất xấu khi hàng trăm nghìn kỹ sư và công nhân kỹ thuật làm việc tại các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô cùng hàng trăm nghìn lao động gián tiếp khác thất nghiệp; hàng chục nhà máy, hàng trăm dây chuyền, hàng nghìn thiết bị và máy móc phục vụ hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô bị đắp chiếu; hàng trăm doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện ôtô trong nước rơi vào tình thế khó khăn từ sự đổ vỡ của các nhà sản xuất ôtô…

Trong tình thế đó, đúng là có thể có doanh nghiệp không chịu nổi sức ép cạnh tranh phải rời cuộc chơi. Nhưng khi đó thị trường sẽ dành cho những doanh nghiệp có tầm nhìn xa, có tiềm lực tài chính và dũng cảm nắm lấy cơ hội.

Điều kiện tiên quyết để các tập đoàn ôtô quyết định đầu tư vào Việt Nam hay một số nước khác trong khu vực là dân số đông, kéo theo đó là kỳ vọng vào độ lớn của thị trường nội địa. Và hiện trên thị trường Việt Nam, những yếu tố tiên quyết đó vẫn không hề thay đổi.

Theo DĐDN

Theo DĐDN

Bạn có thể quan tâm