Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nghệ từ năm 1920 đang xung đột với 5G, đe dọa các chuyến bay

Khả năng gây nhiễu của trụ phát 5G đang là mối lo ngại về an ninh hàng không. Nguyên nhân đến từ một thiết bị ra đời từ những năm 1920.

Trụ phát 5G đã trở thành vấn đề chia rẽ ngành viễn thông và hàng không trong nhiều năm qua. Nhiều hãng bay lo ngại các chuyến bay sẽ bị hủy vì tháp 5G có thể gây nhiễu một thiết bị quan trọng trên máy bay - máy đo độ cao.

Theo New York Times, thiết bị này là một phát minh trong những năm 1920, giúp phi công xác định độ cao của máy bay động cơ phản lực và khoảng cách của nó với các vật thể khác.

Xung đột với công nghệ 5G

Một số loại máy bay sử dụng hệ thống lái tự động dựa trên kết quả của máy đo độ cao. Đến nay, thiết bị này vẫn đóng vai trò quan trọng để máy bay cất cánh và hạ cánh.

Theo các chuyên gia về hàng không, trụ phát 5G hoạt động ở các tần số tương tự với máy đo độ cao nên có khả năng gây nhiễu thiết bị này.

Tru phat 5G gay nhieu may do do cao anh 1

Hôm 18/1, hai nhà mạng di động AT&T và Verizon đồng ý hạn chế kích hoạt 5G gần các sân bay. Tuy nhiên, một số hãng hàng không quốc tế đã hủy các chuyến bay đến Mỹ. Ảnh: The New York Times.

"Chẳng ai muốn ở trên một chiếc máy bay mà máy đo độ cao bị trục trặc cả", Diana Furchtgott-Roth, chuyên gia từng phụ trách nghiên cứu công nghệ mới tại Bộ Giao thông vận tải Mỹ, chia sẻ. Bà cho biết các nhà điều hành hàng không đã đúng khi nêu ra những lo ngại về trụ phát sóng 5G.

Tuy nhiên, các chuyên gia viễn thông cho rằng trụ phát 5G hầu như không có khả năng gây nhiễu máy đo độ cao. Họ cho rằng các công ty hàng không đã có nhiều năm để chuẩn bị ứng phó nếu có rủi ro.

Lo ngại của các chuyên gia về an toàn hàng không

Máy đo độ cao phát các sóng vô tuyến nhằm xác định vị trí của máy bay so với mặt đất và các vật thể khác. Thiết bị này, khi bị trục trặc, sẽ ngăn hệ thống cảnh báo phi công về các vật cản xung quanh.

Peter Lemme, một cựu kỹ sư của hãng sản xuất máy bay Boeing, đưa ra giả định trụ phát 5G gây nhiễu khiến sóng của máy đo độ cao không dội ngược trở lại hoặc bị nhầm lẫn với các sóng lân cận khác. Theo đó, máy đo độ cao có thể đưa ra kết quả sai hoặc không hoạt động.

Seth Frick, kỹ sư hệ thống radar tại công ty chế tạo máy đo độ cao Honeywell Aerospace, đã chia sẻ về khả năng gây nhiễu của trụ phát 5G tại hội thảo của Hiệp hội Trực thăng Quốc tế.

Ông Frick cho biết trong cuộc thử nghiệm của Honeywell, công ty đã phát hiện ra một loạt lỗi như máy đo độ cao bị nhiễu và không cung cấp bất kỳ cảnh báo nào cho phi công.

Máy đo độ cao bị trục trặc do nhiễu sóng có thể gây ra một chuỗi sai lầm. Đây là một trong những lo ngại lớn nhất của các chuyên gia về an toàn hàng không. Sự cố kỹ thuật này từng gây ra hai vụ tai nạn chết người liên quan đến chiếc Boeing 737 Max.

Tru phat 5G gay nhieu may do do cao anh 2

Máy bay Boeing 737 Max từng bị cấm hoạt động trong gần hai năm sau hai vụ tai nạn khiến hơn 300 người thiệt mạng. Ảnh: The New York Times.

Điều một số chuyên gia lo lắng nhất là trụ phát 5G có thể gây sự cố trên Boeing 787, loại máy bay lớn thường được sử dụng cho các chuyến bay quốc tế dài ngày.

Máy đo độ cao là một phần quan trọng trong hệ thống hạ cánh của 787, thiết bị kích hoạt các bộ phận đẩy ngược để tốc độ máy bay chậm lại sau khi hạ cánh. Ông Lemme cho biết, theo một bằng sáng chế của Boeing, chức năng này hoàn toàn tự động.

Nếu máy đo độ cao bị trục trặc, ngay cả khi phi công hạ cánh bằng tay chiếc 787, máy bay sẽ không được kích hoạt lực đẩy ngược.

Hệ thống phanh của 787 và spoiler - bộ phận giảm lực nâng cánh vẫn có thể hỗ trợ máy bay hạ cánh. Tuy nhiên, ông Lemme cho biết phi công khó có thể dừng máy bay trước khi lao đến cuối đường băng vì thiếu lực đẩy ngược.

Ngoài ra, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã phát hiện 5G có thể gây nhiễu sóng, ảnh hưởng đến hệ thống tự động của 787.

“Khả năng nhiễu 5G băng tần C có thể suy giảm hiệu suất giảm tốc của máy bay, kéo dài khoảng cách hạ cánh và hành trình trên đường băng”, FAA cho biết.

Cảnh báo của các chuyên gia hàng không từng bị phớt lờ

Việc AT&T và Verizon tạm thời hạn chế kích hoạt mạng 5G gần các sân bay chỉ giải quyết các mối lo ngại về an toàn hàng không trong thời điểm hiện tại.

Kế hoạch triển khai trụ 5G băng tần C gần các sân bay đã có từ lâu nhưng cả FAA, các công ty viễn thông và Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) vẫn chưa tìm được cách giải quyết.

Vào tháng 12/2020, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đã gửi một lá thư tới Cục Quản lý Thông tin và Viễn thông Quốc gia để cảnh báo về an ninh hàng không trước nguy cơ gây nhiễu của 5G băng tần C. Theo Furchtgott-Roth, bức thư đó đã không được chuyển đến FCC và các nhà mạng di động.

Một số chuyên gia mạng di động cho rằng hầu hết máy đo độ cao hiện nay đều có thể xử lý can nhiễu. Dựa trên kết quả nghiên cứu của mình, FCC cho rằng trụ phát 5G không gây ra rủi ro về an toàn hàng không. Cơ quan này bác bỏ các mối lo ngại liên quan đến khả năng nhiễu của 5G và tổ chức cuộc đấu thầu triển khai hạ tầng 5G theo kế hoạch.

Đến nay, FAA đã cho phép 62% chuyến bay thương mại Mỹ hoạt động. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hàng không đang nghiên cứu các tiêu chuẩn mới cho máy đo độ cao để giải quyết rủi ro nhiễu sóng 5G và các vấn đề khác.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu sẽ không được công bố cho đến tháng 10 và những tiêu chuẩn này sẽ chỉ được áp dụng cho các máy đo độ cao mới.

FAA đã phê duyệt năm mẫu máy đo độ cao chống nhiễu 5G trong tuần qua. Tuy nhiên, việc phê chuẩn này chỉ dựa trên sự kết hợp giữa máy đo độ cao và mô hình máy bay. Ngoài ra, không có máy đo độ cao nào được chấp thuận sử dụng cho chiếc 787.

Nhiều hãng bay Mỹ xem trụ phát 5G là hiểm họa hàng không

Nhiều hãng hàng không Mỹ lo ngại sự cố kỹ thuật nếu AT&T và Verizon dựng các cột phát sóng 5G quá gần khu vực sân bay, có thể gây nhiễu cho hệ thống.

Phạm Linh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm