Trong khi nghiên cứu sự phát sinh và phát triển của chế độ công điền công thổ ở Nam Bộ, chúng tôi thấy nổi lên một số điểm có thể góp phần tìm hiểu chung về nguồn gốc, bản chất và định chế của công điền công thổ ở nước ta. Đây là một trong những vấn đề lớn mà nhiều người còn đang bàn, chưa có kết luận dứt khoát.
Trước kia, Henry chỉ đưa ra những số liệu khô khan, Gourou và Vũ Văn Hiền đã đi sâu về mặt xã hội của dữ liệu công điền, song vẫn quanh quẩn ở hiện tượng. Có người đã đặt vấn đề, nhưng không dám giải đáp vì tự nhận thiếu khả năng, như Gourou chẳng hạn (1).
Ngày nay, một số tác giả có xu hướng cho rằng “công điền là cái tồn tại của xã thôn từ thời công xã nguyên thủy”. Có lẽ điểm này đúng cho Bắc Bộ. Nhưng Nam Bộ là miền đất mới, xã thôn ở đây được thành lập trong giai đoạn xã hội đã biến chuyển không còn là thời công xã nguyên thủy nữa. Cho nên công điền ở Nam Bộ không thể xem là “cái tồn tại” đó được.
Nếu giải thích nó vẫn tồn tại trong não trạng chứ không cụ thể trên luống cày, thì vấn đề đã trở thành khác. Vả lại, công điền được tạo thành là do nhiều, chứ không phải do một nguồn gốc duy nhất nào. Chúng ta sẽ liệt kê những nguồn gốc đó khi đã nghiên cứu toàn thể quá trình phát sinh và phát triển của công điền ở Nam Bộ.
May mắn thay, chỉ ở Nam Bộ quá trình đó mới thu gọn trong một thời gian tương đối ngắn và gần ta, để ta có điều kiện nghiên cứu một cách tổng hợp. Trong sách này, chúng ta tìm hiểu chế độ công điền, nên chỉ dùng từ ngữ “công điền”, từ ngữ bao hàm một khái niệm đã được xác lập qua thực tại, truyền thống và luật lệ của Việt Nam.
Công điền chỉ định một loại ruộng cụ thể, theo thiển ý, phải có ba yếu tố sau đây:
- Ruộng được coi là sở hữu của quốc gia.
- Ruộng được ghi ở địa bạ làng dưới danh hiệu “công điền”.
- Ruộng quân cấp cho xã dân theo quy định của nhà nước.
Công điền phải hội đủ ba yếu tố đó, mà yếu tố thứ hai là hiển nhiên nhất. Do đó, không nên dịch chữ “công điền” là “ruộng công” hay “ruộng làng”. Gọi là “ruộng công” thì có thể lẫn với quan điền, tịch điền, trang trại điền và các loại ruộng khác nhau của nhà nước không trao cho làng để chia cho xã dân cày cấy. Gọi là “ruộng làng” thì vừa sai ý nghĩa vừa lẫn với các loại ruộng thuộc trọn quyền sở hữu của làng như bổn thôn điền, tự điền, trợ sưu điền, hậu điền, tư văn điền, cô quả điền, v.v.
Không nên lẫn công điền với quan điền, mặc dầu công và quan cùng có nghĩa “thuộc về nhà nước”, vì công điền và quan điền là hai loại ruộng đất khác nhau, có quy chế khác nhau; nên cũng không thể dịch nghĩa hai loại ruộng đó ra cùng một chữ là ruộng công như một số tác giả đã nhầm (2).
Chế độ công điền chỉ có ở Việt Nam, bên Tây bên Tàu không có chế độ nào giống thế. Trước đây, người Pháp đã dịch chữ công điền ra terres communales, terres publiques, propriété communal, biens communaux, đều không sát nghĩa và cũng chẳng khác gì như ta dịch nôm là ruộng công hay ruộng làng. Do đó, một tác giả đã phải đặt nhan đề dài dòng cho bài khảo cứu: “Những loại ruộng đất gọi là công điền” (Les terrains dits “công điền”) (3).
Người Trung Hoa cũng không có danh từ nào để nói được trọn vẹn khái niệm công điền của ta, vì nước họ không có chế độ công điền trong suốt quá trình lịch sử sở hữu ruộng đất của họ.
Lịch sử Trung Quốc chia làm nhiều giai đoạn: đời thái cổ nhà Hạ theo phép cống, nhà Ân và nhà Chu theo phép tỉnh điền, nhà Tần và nhà Hán để dân tự quyền chiếm hữu, nhà Tấn dùng phép chiếm điền, nhà Ngụy làm phép quân điền, nhà Đường đặt thêm phép hạn điền, nhà Tống ủng hộ trang điền rộng lớn, hại cho nông dân nghèo, nhà Minh lập thêm nhiều quan điền làm thiệt cho tư điền. Không thấy có vết tích nào của một chế độ giống như công điền của ta (4). Do đó, ta nên dùng nguyên chữ công điền công thổ, không nên dịch, vì nó đã trở thành một từ ngữ riêng.
-------------------------------
(1). Gourou, sđd, tr.137.
(2). Đại Nam điển lệ, Tiến sĩ Hán học Nguyễn Sĩ Giác dịch. Đại học Luật khoa xuất bản, Sài Gòn, 1962, tr.167: “Quan thổ là đất của công”.
(3). Boudarel, Propriété privée et propriété collective dans l’Ancien Vietnam, Nxb L’Harmattan, Paris, 1987.
(4). Theo Les institutions de la Chine của Henri Maspéro và Jean Escarra do PUF, Paris, 1952. Trung Quốc sử lược của Phan Khoang, Văn Sử học xuất bản, in lần thứ 4, Saigon, 1970. Chế độ điền thổ và nguyên tắc tôn trọng quyền tư hữu, của Đào Quang Huy trong Nguyệt san Quê hương số 26, Sài Gòn, 1961, tr.164-168.
***
Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.