Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quá trình khẩn hoang ở miền Nam hàng trăm năm

Cuốn sách thực sự là một công trình nghiên cứu sâu sắc và nghiêm túc về quá trình khẩn hoang lập ấp và chế độ công điền công thổ của Nam kỳ Lục tỉnh từ cuối thế kỷ XVI.

Tôi (1) quen biết anh Nguyễn Đình Đầu trong các cuộc hội thảo khoa học ở Thành phố Hồ Chí Minh, rồi sau đó, trong hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và trong nghiên cứu địa bạ. Bình thường anh là người trầm lặng, ít nói, nhưng lao động khoa học rất say mê, cần mẫn và cũng rất sôi nổi trong thảo luận khoa học.

Anh Nguyễn Đình Đầu đã tham gia biên soạn bộ Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu kho địa bạ triều Nguyễn. Kho địa bạ này trước đặt ở Huế rồi chuyển lên Đà Lạt, chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh và lưu giữ ở đây cho đến cuối năm 1991, trước khi chuyển ra Hà Nội.

Ruong dat anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Tui là người miền Tây.

Anh Nguyễn Đình Đầu là người đi đầu trong việc khai thác kho tư liệu cực kỳ phong phú này, theo thống kê của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, gồm 10.044 địa bạ các làng, trong đó có 484 địa bạ của Nam kỳ Lục tỉnh.

Trong công cuộc nghiên cứu của mình, anh Nguyễn Đình Đầu đã sử dụng tổng hợp nhiều nguồn tư liệu: tư liệu trong thư tịch Hán Nôm, tư liệu điều tra khảo sát của người Pháp khi mới chiếm Nam kỳ, kết hợp với tư liệu của người nước ngoài, đặc biệt là tư liệu địa bạ.

Tác giả tự đặt cho mình một mục đích rất khiêm nhường là “cung cấp thêm cho học giả một số tư liệu tuy không mới mẻ song dễ bị lãng quên” và qua đó, “đính chính một số nhận định lệch lạc hoặc thiếu quan điểm lịch sử” và “góp phần tìm hiểu chung về nguồn gốc, bản chất và định chế của công điền công thổ ở nước ta” (Mở đầu).

Nhưng cuốn sách thực sự là một công trình nghiên cứu sâu sắc và nghiêm túc về quá trình khẩn hoang lập ấp và chế độ công điền công thổ của Nam kỳ Lục tỉnh từ cuối thế kỷ XVI khi lưu dân người Việt bắt đầu vào khai phá, cho đến năm 1860 khi thực dân Pháp xâm chiếm vùng đất này. Cuốn sách không dày lắm, nhưng đứng về các nguồn tư liệu được khai thác và sử dụng cũng như các vấn đề được đặt ra và giải quyết thì vượt hẳn những công trình đã công bố từ trước đến nay về đề tài này.

***

Trước khi người Việt đến đây, đất Đồng Nai - Gia Định đã được nhiều lớp cư dân khai phá, từ những lớp cư dân nguyên thủy xa xưa đến những lớp cư dân Phù Nam, Chân Lạp. Tác giả không ngược về quá sâu trong quá khứ, mà chỉ nghiên cứu lịch sử khai phá vùng Đồng Nai - Gia Định từ những lớp di dân người Việt vào đây, có thể bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI.

Những lớp lưu dân này đã đến Mô Xoài rồi lên Đồng Nai và lan dần đến đồng bằng sông Cửu Long. Họ là những người nông dân, chỉ có ý chí và sức lao động, đi tìm những miền đất mới để sinh sống, không xâm phạm cướp bóc của ai. Họ chung sống hòa bình với những lớp cư dân bản địa. Tiếp bước theo họ là một số địa chủ giàu có vùng Thuận Quảng và một số người Hoa cùng tham gia vào quá trình khai phá.

Sự thật trên được chứng minh qua nhiều tư liệu, nhưng từ đó, trình bày lịch sử khai phá miền Nam chỉ bằng công cuộc khẩn hoang hòa bình của các lớp di dân thì lại phiến diện và không phù hợp với toàn bộ sự thật lịch sử.

Anh Nguyễn Đình Đầu với thái độ khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử, đã trình bày tiếp theo sau quá trình khẩn hoang của lưu dân là quá trình can thiệp của các chúa Nguyễn để thiết lập chính quyền và sắp đặt các đơn vị hành chính, từ phủ Gia Định nhị dinh năm 1698, tam dinh năm 1732 và đến năm 1757 thì bao quát toàn bộ châu thổ Đồng Nai, Cửu Long.

Dĩ nhiên đây là một quá trình phức tạp với nhiều cuộc can thiệp của chúa Nguyễn kết hợp với những mâu thuẫn nội bộ của vương triều Chân Lạp và những xung đột của vương triều Xiêm. Những sự thật đó cần được nhìn nhận và phân tích một cách đúng đắn trên quan điểm lịch sử.

-----------------

(1) Tôi: Giáo sư sử học Phan Huy Lê.

Nguyễn Đình Đầu/ NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY