Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra những người được tiêm chủng trong cuộc thử nghiệm của Moderna nhưng vẫn mắc Covid-19 vào mùa hè này khi biến chủng Delta gia tăng thách thức toàn cầu, Bloomberg đưa tin hôm 16/9.
Trong thử nghiệm của Moderna, nhiều người đã được tiêm chủng từ tháng 12/2020, sau khi kết quả ban đầu về hiệu quả tích cực của vaccine được báo cáo.
Moderna cho biết họ phát hiện ra những người được tiêm vaccine sớm có tỷ lệ có các triệu chứng “nhiễm đột phá” cao hơn 50% vào tháng 7 và tháng 8, so với những người được tiêm chủng muộn hơn.
Phân tích mới của Moderna cho thấy tỷ lệ các ca nhiễm “đột phá” cao hơn ở người được tiêm sớm. Ảnh: Reuters. |
“Nguy cơ ‘đột phá' gia tăng trong phân tích này cho thấy tác động của khả năng miễn dịch bị suy giảm” trong nghiên cứu, Moderna cho biết. “Điều này làm tăng thêm bằng chứng về lợi ích tiềm năng của việc tiêm mũi tăng cường”.
Moderna đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm nhắc lại mũi thứ ba, với liều bằng một nửa liều vaccine hiện nay.
Hiện chưa rõ bao lâu thì FDA có quyết định về hồ sơ đề nghị cấp phép tiêm mũi bổ sung của Moderna.
Cả vaccine Moderna và Pfizer đều đang bám đuổi nhau trong kế hoạch về liều tăng cường. Hôm 17/9, ban cố vấn của FDA dự kiến cân nhắc việc tiêm thêm cho người dân một mũi tăng cường vaccine Pfizer/BioNTech, sử dụng công nghệ mRNA tương tự Moderna.
Việc tiêm mũi tăng cường khiến nhiều chuyên gia y tế bối rối, vì dù có bằng chứng cho thấy hiệu quả của vaccine giảm dần trong việc ngăn ngừa nhiễm virus, vaccine vẫn bảo vệ tốt trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong - vốn là mục đích chính của việc tiêm chủng.
Động thái này cũng bị chỉ trích, vì hiện tại hầu hết nước đang phát triển vẫn chưa có đủ vaccine để tiêm liều đầu tiên hoặc thứ hai cho người dân của họ.