Công an, Sở Y tế, và các sở, ban ngành của TP.HCM vừa có buổi báo cáo với đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội TP.HCM về tình trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn TP cũng như các vấn đề liên quan đến thực hiện Luật Trẻ em 2016.
Trẻ tự nguyện có quan hệ tình cảm
Theo số liệu của Công an TP.HCM, trong 6 tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018, TP xảy ra 35 vụ hiếp dâm trẻ em.
Làm rõ số liệu này, trung tá Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng Đội 7, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), cho biết 70% bé gái dưới 13 tuổi có sự phát triển sớm về tình cảm, sinh lý và quen biết thanh niên trên 18 tuổi qua mạng. Từ đó, hai bên có quan hệ tình dục tự nguyện.
Thế nhưng, luật quy định quan hệ với người dưới 13 tuổi trong mọi trường hợp đều là hiếp dâm trẻ em nên các đối tượng vi phạm đều phải bị xử lý.
"Đọc số liệu thì nhiều người tưởng nhầm ở TP mà sao tình trạng dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để hiếp dâm quá nhiều. Nhưng thực ra trên 70% là do các cháu bé dưới 13 tuổi có sự tự nguyện trong quan hệ tình cảm dẫn đến quan hệ tình dục", trung tá Dũng giải thích.
Đại diện Công an TP.HCM cho biết tình hình xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng. Ảnh: Thu Hằng. |
Chia sẻ về kết quả giám sát thực hiện Luật Trẻ em 2016 tại quận 1, quận 12 và huyện Cần Giờ, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP, thông tin có 2 vụ việc ở huyện Cần Giờ cha mẹ đưa con đi đăng ký khai sinh mới bị phát hiện là vi phạm pháp luật do cả 2 cặp phụ huynh này đều dưới 16 tuổi.
"2 vụ này cuối cùng phải cho qua vì 2 đôi đó đang sống cùng nhau như vợ chồng, cùng nuôi con", bà Tuyết cho hay.
Lý giải nguyên nhân trường hợp xâm hại tình dục trẻ em thường xuyên ra ở các quận, huyện xa trung tâm, Trung tá Dũng cho biết do vùng ven có nhiều khách sạn giá rẻ, khó quản lý, dẫn đến các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi xâm hại mà không bị phát hiện.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP, nhận định việc phát hiện các vụ trẻ em bị xâm hại còn rất chậm. Ảnh: Thu Hằng. |
Về tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật (VPPL), đại diện Công an TP.HCM cho biết năm 2018 xảy ra 197 vụ với 300 người chưa thành niên tham gia thực hiện hành vi VPPL, tập trung ở các tội cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp giật tài sản.
Cứ 100 em bé sinh ra có 39 bào thai bị phá bỏ
Tại buổi giám sát, đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng báo cáo với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM kết quả thực hiện Luật Trẻ em 2016 trên địa bàn TP.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nhận định báo cáo còn chưa đầy đủ và yêu cầu sở thông tin thêm về tình trạng nạo phá thai trong TP bởi "các thai nhi cũng là trẻ em và cần được quan tâm".
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thừa nhận tình trạng nạo phá thai ở TP.HCM vẫn còn cao. Ảnh: Thu Hằng. |
Giải trình với đại biểu Lan, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thừa nhận tình trạng nạo, phá thai ở TP hiện nay khá cao nhưng có chuyển biến tốt những năm gần đây.
Cụ thể, năm 2011, tỷ lệ nạo, phá thai ở TP.HCM là 61,32%, tức cứ 100 trẻ được sinh ra thì trước đó có 61 trường hợp nạo phá thai. Năm 2016, tỷ lệ này là 46% và giảm dần đến năm 2018 xuống còn 39%.
Sở cam kết sẽ tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nâng cao kiến thức của người dân nhằm cải thiện tình trạng này trong thời gian tới.
TP.HCM: Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới 2%
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, hiện có 916 trẻ nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV (thuốc kháng HIV). Cụ thể, TP có 6 phòng khám ngoại trú đang triển khai hoạt động, chăm sóc, điều trị cho trẻ nhiễm HIV/AIDS bao gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, Củ Chi, Quận 4, Thủ Đức.
Sở Y tế cho biết tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở TP.HCM hiện dưới 2%. Tỷ lệ thai phụ nhiễm HIV được tiếp cận điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt 97% và tỷ lệ trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV được dự phòng ARV đạt 100%.