Sáng 27/8, Đoàn Giám sát của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống, xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết từ 1/1/2015 đến hết tháng 6/2019, Hà Nội có 322 trẻ em bị xâm hại (bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán, bị bỏ rơi…).
"Từ số liệu trên có thể thấy, tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn TP diễn biến hết sức phức tạp. Từ độ tuổi trẻ bị xâm hại, đối tượng xâm hại trẻ đến tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ việc", ông Quý nhận định.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: KTĐT. |
Theo lãnh đạo TP, địa bàn xảy ra các hành vi xâm hại thường là tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ. Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau và đối tượng xâm hại trẻ lại thường là người thân, quen với gia đình trẻ.
Thừa nhận tình hình xâm hại trẻ em chưa có chiều hướng giảm, Phó chủ tịch Hà Nội cũng cho rằng kết quả giải quyết vụ việc xâm hại trẻ em và can thiệp, hỗ trợ trẻ còn chưa đảm bảo, kịp thời và hiệu quả.
Độ tuổi trung bình của nạn nhân các vụ xâm hại tình dục trên thế giới là 9 tuổi. Đồ họa: Linh Miu. |
Xét về nguyên nhân, việc để xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, nghiêm trọng về xâm hại trẻ em trên địa bàn, theo ông Quý, một phần là do sự quản lý dân cư lỏng lẻo và tác động của những nội dung độc hại trên Internet.
"Hà Nội là đô thị lớn, dân cư đông đúc, tỷ lệ dân nhập cư tăng nhanh, trong đó có nhiều đối tượng hình sự và thành phần dân cư phức tạp. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của văn hóa phẩm kích động, bạo lực, phim, ảnh khiêu dâm, kích dục trên Internet cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến trẻ em", ông Quý lý giải.
Ngoài ra, nhận thức về xâm hại và hậu quả của nó đối với sự phát triển của trẻ, kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại của các bậc phụ huynh và chính bản thân các em còn chưa đầy đủ.
Từ thực tế đã nêu, lãnh đạo Hà Nội kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xem xét, điều chỉnh chế tài xử phạt với một số tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ trẻ em để đảm bảo nguồn lực cơ bản ở các cấp nhất là cấp xã trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với trẻ em.
Lãnh đạo TP kiến nghị TAND tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn cụ thể như thế nào là hành vi dâm ô, hành vi quan hệ tình dục khác để có các cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ để xử lý các vụ việc này trong tương lai.