Tại Hội nghị tập huấn Kiến thức giám định pháp y trong lĩnh vực phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ngày 21/8, bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM, cùng các luật sư đã chỉ ra nhiều bất cập trong quá trình xác định chứng cứ, gây khó khăn cho người bị hại, cơ quan điều tra và đơn vị giám định pháp y.
Nạn nhân thường vô tình xóa sạch chứng cứ
Là đơn vị chuyên tiếp nhận trưng cầu giám định từ cơ quan điều tra, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM cho biết người giám định thường gặp khó khăn ngay từ khâu thu thập mẫu ban đầu.
Trong quá trình xử lý vụ việc, cơ quan điều tra trực tiếp xuống khám nghiệm hiện trường để thu thập mẫu hoặc tiếp nhận từ nạn nhân và người nhà. Tuy nhiên, đa phần các mẫu vật thường thất lạc hoặc bị bỏ sót.
Bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
“Cái khó ở chỗ tâm lý chung của người bị hại là sợ bẩn hoặc sợ có thai nên thường tắm rửa sạch sẽ và giặt giũ các chứng cứ liên quan”, ông Hiếu phân tích. Còn đối tượng xâm hại thường chỉ có thể lấy mẫu máu đối chiếu.
Trong giám định pháp y, thời gian là vàng bạc. Nhưng thực trạng hiện nay, cơ quan điều tra cũng như người dân không có phương tiện kỹ thuật chuyên biệt để phát hiện các mẫu vật có dấu vết tinh dịch, dẫn đến tình trạng nộp nhiều mẫu vật khiến thời gian giám định kéo dài.
Việc quá nhiều mẫu giám định đội chi phí quá lớn, cơ quan điều tra không thể thanh toán khiến hồ sơ bị "treo".
Gửi ít mẫu giám định vì sợ tốn kinh phí
Điều 36, Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định, người trưng cầu/yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí cho bên thực hiện giám định tư pháp. Quy định này đang làm khó chính cơ quan điều tra và đơn vị giám định.
Chi phí trung bình cho một mẫu giám định là 1 triệu đồng, trong khi đó, các dịch vụ giám định liên quan đến xâm hại tình dục thường lên tới 3-5 triệu đồng.
Ông Hiếu cho biết, do chi phí giám định quá cao, đa phần trung tâm giám định làm miễn phí cho người bị hại và chỉ thu phí với đối tượng xâm hại.
Thế nhưng, với những trường hợp giám định do công an chi trả, thời gian “đòi tiền” thường lâu. Thậm chí, có trường hợp cơ quan điều tra gửi ít mẫu giám định vì sợ tốn kinh phí.
Luật sư trao đổi về các khúc mắc khi tiếp nhận kết quả giám định pháp y từ phía cơ quan điều tra trong các vụ án xâm hại tình dục. Ảnh: Thu Hằng. |
“Quy trình hiện tại là đi một vòng luẩn quẩn. Công an lấy tiền từ ngân sách Nhà nước để chi trả cho cơ quan giám định pháp y thuộc Sở Y tế. Tiền lại trở về với ngân sách Nhà nước”, ông Hiếu phân trần.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc này, ông Hiếu đề xuất cơ quan có thẩm quyền giao kinh phí giám định cho UBND TP để trực tiếp cấp cho trung tâm giám định, tránh lệ thuộc vào cơ quan điều tra.
Khoảng trống trong chăm sóc trẻ "nghiện tình dục"
Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM chỉ ra một khoảng trống lớn bị bỏ qua trong bảo vệ trẻ bị xâm hại tình dục hiện tại là giám định hậu xâm hại.
Theo đó, sau thời gian bị xâm hại, nhiều nạn nhân mắc các chứng như tâm thần, lệch lạc tình dục, thậm chí nhiều em nghiện tình dục.
“Tôi biết có em sau khi bị xâm hại thì mắc chứng nghiện tình dục, em này tự ra ngoài tìm đối tượng để làm tình. Nếu bị người nhà ngăn cấm, em sẽ tự dùng các đồ vật trong nhà để thỏa mãn ham muốn”, ông Hiếu kể.
Các luật sư tại hội nghị cho rằng xác định chứng cứ là khó khăn lớn nhất khi tiếp nhận các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục. Ảnh: Thu Hằng. |
Trả lời câu hỏi của các luật sư tại hội nghị về việc để nữ giám định viên làm việc với các bé gái, ông Hiếu cho biết luật không quy định bắt buộc điều này.
Hiện, người giám định chính cho các bé gái tại các trung tâm giám định vẫn là bác sĩ nam. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, vẫn phải có nữ y tá, bác sĩ hoặc người nhà nạn nhân tham gia.
"Trước đây có trường hợp, trẻ bị xâm hại đi tố cáo công an, rồi bị chính người công an này xâm hại tiếp. Do đó, có bác sĩ nữ đi cùng bảo vệ các bé là cần thiết", ông Hiếu khẳng định.