Nhiều em nhỏ được gia đình đưa đi làm thẻ căn cước trong sáng 1/7, tại Hà Nội. |
Ngày 1/7, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới, trong đó, chuyển từ cấp căn cước công dân (CCCD) sang thẻ căn cước; cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch.
Cán bộ, chiến sĩ công an lấy dấu vân tay. |
Kể từ ngày 1/7, khi người dân đi làm thẻ căn cước, Công an sẽ lấy dữ liệu sinh trắc học mống mắt, vân tay và ảnh khuôn mặt (từ đủ 6 tuổi trở lên). |
Chỉ khi người dân có nhu cầu đổi sang thẻ căn cước thì mới bắt buộc phải thu thập mống mắt. Đối với căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1/7 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, người dân vẫn sử dụng bình thường, không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung. Nếu công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân trước 1/7 vẫn muốn bổ sung mống mắt thì có thể đến cơ quan công an làm thủ tục cấp thẻ căn cước để đăng ký. Về quy trình thu nhận mống mắt tương tự như khi cấp mới.
Từ 7h, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an TP Hà Nội và công an 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã đồng loạt triển khai cấp Thẻ căn cước cho trẻ từ 0-6 tuổi và người từ 6 tuổi trở lên. Từ sáng sớm đã có rất nhiều người dân đến trụ sở đơn vị làm thủ tục cấp thẻ căn cước theo Luật Căn cước.
Theo trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hà Nội, Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, bao quát, không chỉ đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số.
Công an TP Hà Nội tiến hành cấp thẻ căn cước cho gia đình công dân Tạ Hoàng Dung (SN 1984, trú tại phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm) từ Đài Loan trở về. |
Quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Trung tá Lâm cho biết, thẻ căn cước mới có nhiều ưu việt, tính bảo mật cao, được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.
Cũng trong sáng cùng ngày, cơ quan chức năng cũng tiến hành cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài (Mỹ, Australia...) tại sân bay Nội Bài. |
Tại Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), thiếu tá Mạch Việt Dũng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an quận cho biết, đơn vị đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống phần mềm, bảo đảm việc thu nhận, cấp căn cước mới cho công dân. Việc cấp căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ được thực hiện hoàn toàn trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô có rất đông người dân đến làm thẻ căn cước trong buổi sáng cùng ngày và được cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn tận tình.
Người già được gia đình đưa đi làm thẻ căn cước trong sáng 1/7. |
Anh Nguyễn Đình Vũ (trú tại Hoàn Kiếm) chia sẻ, gia đình thấy việc cấp thẻ căn cước cho trẻ 0-6 tuổi là rất cần thiết nên đã đến trụ sở cơ quan công an làm thủ tục cho con gái 6 tháng tuổi. "Sau này đưa con đi du lịch cùng gia đình bằng máy bay sẽ thuận tiện hơn, không còn phải lo lắng việc để quên giấy khai sinh của con nữa" - anh Vũ cho biết.
Theo Công an TP Hà Nội, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những điểm mới của Luật Căn cước... với nhiều hình thức đa dạng phong phú.
Thẻ căn cước cấp từ ngày 1/7 gồm 2 loại dành cho đối tượng từ 0 tới 6 tuổi và trên 6 tuổi với một số khác biệt.
Cụ thể, mặt trước thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi sẽ có các thông tin như: Biểu tượng chip điện tử; số định danh cá nhân/personal identification number; họ, chữ đệm và tên khai sinh/full name; ngày, tháng, năm sinh/date of birth; giới tính/sex; quốc tịch/nationality...
Mặt trước thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên gồm các thông tin: Biểu tượng chip điện tử; ảnh khuôn mặt của người được cấp thẻ căn cước; số định danh cá nhân/Personal identification number; họ, chữ đệm và tên khai sinh/full name; ngày, tháng, năm sinh/date of birth; giới tính/sex; quốc tịch/nationality.
Mặt sau thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi và thẻ căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên sẽ có thông tin về nơi cư trú/place of residence; nơi đăng ký khai sinh/place of birth; chip điện tử; mã QR; ngày, tháng, năm cấp/date of issue; ngày, tháng, năm hết hạn/date of expiry...
Những điểm mới của Luật Căn cước
(1) Chính thức đổi tên Căn cước công dân sang thẻ Căn cước;
(2) Khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 01/01/2025;
(3) Bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin trong thẻ Căn cước;
(4) Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước;
(5) Bổ sung giấy tờ: Giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam;
(6) Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi từ 01/7/2024;
(7) Từ ngày 01/7/2024, công dân sẽ có Căn cước điện tử;
(8) Bỏ quê quán, vân tay, đặc điểm nhân dạng trên thẻ Căn cước;
(9) Thủ tục cấp thẻ Căn cước: Phải lấy sinh trắc học mống mắt đối với các trường hợp công dân trên 06 tuổi;
(10) Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.