Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT và Thông tư số 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới. Thông tư trên có hiệu lực từ 1/7.
Người dân được xuất trình giấy tờ trên VNeID khi CSGT kiểm tra
Điểm mới của thông tư đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 12 về việc kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông.
Cụ thể, khi thông tin của các giấy tờ đã tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu.
Ngoài ra, việc kiểm tra thông tin của giấy tờ trong căn cước điện tử, ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.
Thêm nhiều đối tượng được cấp thẻ căn cước. |
Mở rộng đối tượng cấp thẻ căn cước
Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7, giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Luật Căn cước có 10 điểm mới. Trong đó, điểm mới quan trọng của Luật là việc đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước; Mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi; từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7/2024...
Từ ngày 1/7, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, Bộ Công an sẽ triển khai việc cấp thẻ căn cước theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Căn cước quy định: "Thẻ Căn cước công dân (CCCD) đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước".
Như vậy, thẻ căn cước có giá trị tương đương như thẻ CCCD. Tuy nhiên đối với các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ CCCD vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.
Triển khai lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Luật gồm 5 Chương 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo quy định của luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn (công an cấp xã) giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã (Lực lượng này được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có bao gồm: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng).
Không được bán bảo hiểm không bắt buộc kèm khoản vay
Cũng có hiệu lực từ 1/7, là Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Đáng chú ý, tại Điều 15 luật nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ngoài hoạt động ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.
Tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được trang bị đầy đủ trang phục, công cụ hỗ trợ. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an. |
Bổ sung nhiều hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử
Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ 1/7. Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử và không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch...
Tại Điều 6 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử như lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu; Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử; Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử; Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.