Khi phi công thông báo máy bay được chuyển hướng đến Minsk, thủ đô của Belarus, Roman Protasevich trở nên cực kỳ hoảng sợ, dường như anh chắc chắn rằng sẽ bị bắt giữ, theo New York Times.
“Anh ấy hoảng sợ vì chúng tôi sắp hạ cánh xuống Minsk", Marius Rutkauskas, người ngồi trước anh Protasevich một hàng ghế, nói với đài truyền hình Lithuania LRT khi đến Vilnius.
Roman Protasevich - một nhà hoạt động đối lập 26 tuổi - và người bạn đồng hành nữ của anh - sinh viên Sofia Sapega - đều bị giam giữ sau khi Belarus chuyển hướng máy bay thương mại của hãng Ryanair từ Vilnius đến Minsk hôm 23/5.
Hành động này bị Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ lên án.
Xuất hiện trong một video trên Telegram và trên truyền hình nhà nước Belarus hôm 24/5, Protasevich thừa nhận đóng vai trò tổ chức các vụ gây rối hàng loạt ở Minsk vào năm 2020.
Cha của Roman Protasevich tin rằng con trai ông bị ép buộc quay đoạn video tự thú, và dựa trên hình ảnh trong video, ông cho rằng con trai bị gãy mũi, theo Reuters.
"Đó không phải ngữ điệu của con trai tôi"
Trong đoạn video được công bố hôm 24/5, Protasevich ngồi trước bàn, không bị còng tay. Tốc độ nói của Protasevich được ABC News miêu tả là "khá nhanh".
Đối với ông Dzmitry Protasevich, cha của nhà hoạt động Roman Protasevich, đoạn video được đăng tải hôm 24/5 có vẻ do anh bị ép phải quay.
Nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich trong video được đăng tải hôm 24/5 trên Telegram. Ảnh: Reuters. |
"Có khả năng mũi của con trai tôi bị gãy, vì hình dáng mũi của nó thay đổi và có nhiều bột trên mũi. Toàn bộ phần bên trái của khuôn mặt con trai tôi đều có bột", ông Protasevich nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn bằng tiếng Nga vào cuối ngày 24/5 tại Wroclaw, Ba Lan, nơi ông và vợ sinh sống.
"Đó không phải là lời nói của con trai tôi, không phải ngữ điệu thường thấy trong lời nói của nó. Nó hành động rất dè dặt và bạn có thể thấy nó rất lo lắng", ông Protasevich nói về con trai mình.
"Và gói thuốc lá trên bàn đó cũng không phải của nó. Con trai tôi không hút những thứ này. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nó đã bị ép buộc", ông nói thêm.
"Con trai tôi không thể thừa nhận là đứng sau hàng loạt vụ gây rối, vì nó không làm bất kỳ điều gì như vậy", ông khẳng định.
Bộ Nội vụ Belarus cho biết Protasevich đang bị giam trong tù và không phàn nàn gì về tình trạng sức khỏe kém.
Tại Lithuania, cảnh sát mở cuộc điều tra về nghi vấn không tặc và bắt cóc, đồng thời phỏng vấn các hành khách và phi hành đoàn.
Qua điều tra, các nhân chứng cho biết máy bay chiến đấu do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko điều động để hộ tống chuyến bay đã không buộc máy bay hãng Ryanair hạ cánh.
Thay vào đó, những người này cho biết phi công đã quyết định hạ cánh máy bay xuống Minsk sau khi kiểm soát không lưu Belarus yêu cầu làm như vậy, vì có khả năng có bom trên máy bay.
“Quyết định được cơ trưởng đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của ban quản lý Ryanair”, Rolandas Kiskis, người đứng đầu Cục Cảnh sát Hình sự Lithuania, nói với các phóng viên tại Vilnius.
Những người ủng hộ nhà hoạt động Roman Protasevich cầm máy bay giấy trong cuộc biểu tình ở Warsaw, Ba Lan hôm 24/5, đòi thả tự do cho người này. Ảnh: Getty. |
Nhưng không có quả bom nào được phát hiện trên máy bay.
Belarus cáo buộc Hamas đứng sau tối hậu thư đe dọa đánh bom máy bay này. Trong khi đó, vào ngày 24/5, người phát ngôn của Hamas đã phủ nhận mọi cáo buộc của chính quyền Belarus về mối đe dọa đánh bom giả.
Điều này càng làm dấy lên nghi ngờ đây chỉ là lý do được dàn dựng để yêu cầu máy bay hạ cánh.
"Những gì xảy ra thật sự điên rồ"
Toàn bộ 27 nhà lãnh đạo của các nước thành viên EU hôm 24/5 yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động Protasevich và sinh viên Sapega. Họ cũng kêu gọi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế mở cuộc điều tra về vụ việc.
Ngoài ra, EU cũng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Belarus.
Cụ thể, tất cả hãng hàng không của Belarus bị cấm bay qua không phận hoặc sử dụng sân bay trên lãnh thổ 27 nước thành viên của khối, theo Reuters. Giới lãnh đạo EU yêu cầu các hãng hàng không có trụ sở tại các nước thành viên của khối tránh bay qua không phận Belarus.
Sau cuộc bầu cử vào tháng 8 mà các nước phương Tây coi là lừa dối, EU, cùng với Mỹ, Anh và Canada đã áp đặt lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với gần 90 quan chức Belarus, bao gồm cả Tổng thống Alexander Lukashenko.
Tổng thống nước này phủ nhận gian lận bầu cử. Kể từ cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi, các nhà chức trách đã vây bắt hàng nghìn đối thủ của ông Lukashenko.
Protasevich bị lực lượng an ninh bắt vì tham gia đưa tin một cuộc biểu tình ở Minsk năm 2017. Ảnh: Stringer. |
Trong khi đó, nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich bị KGB, cơ quan tình báo của Belarus, đưa vào danh sách khủng bố.
Trong phong trào biểu tình chống chính phủ quy mô lớn hồi năm ngoái, Protasevich thường xuyên chia sẻ những thông tin và đoạn video tại hiện trường, thông báo cho người biểu tình về hành động của lực lượng an ninh.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cho rằng động thái của Belarus trong vụ việc có thể đã vi phạm một hiệp ước về vấn đề quản lý các hãng hàng không thương mại trong nhiều thập kỷ. Tổ chức này đã triệu tập cuộc họp khẩn vào ngày 27/5 để thảo luận về vụ việc.
“Chúng tôi ngạc nhiên rằng số phận của một người có ý nghĩa lớn như vậy, và nó được coi là có giá trị đối với Liên minh châu Âu. Tôi nghĩ những gì đã xảy ra là hành động trả thù, để làm gương cho người khác, kiểu như để nói là 'hãy nhìn xem chúng tôi có thể làm gì'. Những chuyện đang diễn ra thực sự điên rồ", ông Dzmitry Protasevich, cha của nhà hoạt động đối lập này, nói.