Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Con trai thủ tướng Hun Sen có thể là lãnh đạo Campuchia tiếp theo?

Giới quan sát dành sự chú ý cho ông Hun Manet, người tốt nghiệp trường West Point danh giá và thăng tiến nhanh chóng trên con đường binh nghiệp.

con trai thu tuong campuchia anh 1

Khi ông Hun Sen thăm Bắc Kinh hồi tháng 2, theo sau ông khi bắt tay Ngoại trưởng Vương Nghị là Hun Manet, con trai của thủ tướng Campuchia.

Đối với những con mắt tinh tường, cảnh tượng này không chỉ là bằng chứng cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa ông Hun Sen với Bắc Kinh - chuyến thăm diễn ra bất chấp việc các chuyến bay đến Trung Quốc bị hủy trên diện rộng trong làn sóng lây nhiễm virus corona đầu tiên. Đó còn là bằng chứng về vị trí của ông Manet với tư cách người kế nhiệm ông Hun Sen trong tương lai, theo South China Morning Post.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á, thông tin về ông Hun Manet, người được đào tạo tại trường quân sự danh giá hàng đầu nước Mỹ, lại càng được giới quan sát chú ý.

Hồi tháng 6, ông Manet, vị tướng ba sao, từ phó chủ tịch trở thành chủ tịch đoàn thanh niên của đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đảng nắm quyền ở Campuchia từ năm 1979.

con trai thu tuong campuchia anh 2

Ông Manet (thứ ba từ phải sang) tháp tùng ông Hun Sen trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 2/2020. Ảnh: Twitter.

Trước bầu cử năm 2018, Thủ tướng Hun Sen, 68 tuổi, nói tương lai của ông Manet phụ thuộc vào việc liệu CCP - và "người dân" - có chấp nhận đứa con thứ hai của ông. Ông Hun Sen khi đó cũng nói ông sẽ lãnh đạo đất nước thêm 10 năm nữa. (Con trai đầu của ông, Hun Kamsot, qua đời ngay sau khi sinh).

Giới quan sát thì cho rằng việc ông Manet trở thành lãnh đạo tiếp theo tại Campuchia đang ngày càng chắc chắn.

"Ông ấy được bổ nhiệm làm lãnh đạo Thanh niên CPP vì ông Hun Sen hiểu rằng trong tương lai thanh niên đóng vai trò rất quan trọng trong chèo lái Campuchia", Sam Seun, người phát ngôn Học viện Hoàng gia Campuchia, cho biết.

Thăng tiến nhanh chóng

Ông Manet sinh ngày 20/10/1977, hai năm sau khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ của Pol Pot nắm quyền.

Ông gia nhập quân ngũ năm 1995, cùng năm đó ông bắt đầu theo học tại Học viện Quân sự Mỹ, thường được biết đến với tên West Point (theo địa điểm nơi trường tọa lạc, thuộc bang New York). Năm 1999, ông Manet trở thành người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp học viện danh tiếng này.

con trai thu tuong campuchia anh 3

Ông Hun Sen và ông Manet trong lễ tốt nghiệp tại West Point năm 1999. Ảnh: Reuters.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ ở Mỹ và sau đó là tiến sĩ ở Anh, Manet trở về Campuchia vào năm 2008. Không lâu sau khi ông trở về, truyền thông Thái Lan nói ông đóng vai trò quan trọng trong các đàm phán sau vụ đụng độ giữa binh sĩ Campuchia và Thái Lan tại ngôi đền cổ Preah Vihear ở biên giới hai nước.

Vào cuộc bầu cử năm 2008, CPP giành được 90 trong số 123 ghế trong quốc hội, sau một chiến dịch tranh cử nhấn mạnh sự cần thiết phải có quân đội mạnh. Nhiều nhà quan sát cho rằng tranh chấp đền Preah Vihear đã thúc đẩy sự ủng hộ dành cho CCP - và nói rộng ra chính là cho ông Manet.

Tuy nhiên, Sebastian Strangio, nhà báo và tác giả sách viết về ông Hun Sen, cho rằng mức độ quan trọng của ông Manet trong việc giải quyết tranh chấp vẫn còn dấu hỏi.

"Tôi ngờ rằng vai trò của ông ấy trong vụ việc ở biên giới đã được nói quá lên đáng kể", ông nói.

Bất kể sự thật là gì, ông Manet được thăng cấp vài năm sau đó, trở thành tướng hai sao vào năm 2011 và thêm một sao vào năm 2013.

Trước tổng tuyển cử toàn quốc năm 2018, ông Manet trở thành phó tổng tư lệnh lực lượng vũ trang và chỉ huy lục quân. Ông được đặt ở vị trí quan trọng để bảo vệ cha mình trong cuộc bầu cử năm đó khi CCP giành được toàn bộ 125 ghế ở quốc hội.

con trai thu tuong campuchia anh 4

Ông Manet và vợ, Pich Chanmoy, chụp ảnh cùng cử tri sau khi bỏ phiếu trong tổng tuyển cử toàn quốc năm 2018. Ảnh: AFP.

Ông Kin Phea, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, cho rằng ông Manet có thể đã được tưởng thưởng vì đóng góp trong tinh giản và hiện đại hóa lực lượng vũ trang của đất nước.

"Khi đảm nhiệm chức chỉ huy lục quân, ông ấy chứng tỏ mình là nhà cải cách bằng cách xây dựng năng lực của lục quân, trang bị cho các cơ sở quân sự và thúc đẩy hợp tác quân sự quốc tế", ông Phea nói.

"Tuy nhiên, việc là con trai của một thủ tướng cũng có mối liên hệ rất quan trọng với cấp bậc quân hàm của ông ấy".

con trai thu tuong campuchia anh 5

Ở tuổi 42, ông Manet thăng tiến nhanh chóng trên con đường binh nghiệp. Ảnh: Website Bộ Quốc phòng Nga.

Đối tác quan trọng

Một trong những đối tác quan trọng của ông Manet trong việc xây dựng lực lượng vũ trang là Trung Quốc. Ngoài cung cấp khí tài quân sự, Trung Quốc đã rót đầu tư vào khu kinh tế miễn thuế Trung Quốc - Campuchia ở Sihanoukville và tài trợ cho các dự án phát triển, bao gồm đường bộ và đập.

Trong số các dự án này là các khu nghỉ dưỡng ven biển mà Mỹ lo ngại có thể là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm thiết lập căn cứ quân sự ở Campuchia.

Năm ngoái, ông Hun Sen cho biết quân đội Campuchia đã mua 40 triệu USD vũ khí từ Trung Quốc.

con trai thu tuong campuchia anh 6

Ông Manet tham dự lễ bàn giao gần 300 xe tải quân sự mua từ Trung Quốc hồi tháng 6. Ảnh: Khmer Times.

Cả ông Strangio và ông Phea đều nhìn nhận ông Manet có khả năng lên nắm quyền, nhưng cảnh báo rằng nhiều điều có thể thay đổi trước khi ông Hun Sen rời nhiệm sở.

Ông Phea cũng đặt câu hỏi về việc liệu ông Manet có thể duy trì quyền lực đến mức nào nếu không còn cha ông.

"Với sự hiện diện của (ông Hun Sen), việc kế nhiệm và chuyển giao sẽ diễn ra suôn sẻ và hòa bình", ông Phea nói.

Ông Tập: Trung Quốc - Campuchia chia sẻ tương lai không thể chia rẽ

Chủ tịch Tập Cận Bình tán dương quan hệ Trung Quốc và Campuchia khi tuyên bố hai nước chia sẻ tương lai chung không thể bị chia rẽ.

Chuyên gia Trung Quốc hỗ trợ chống dịch tại Campuchia

Nhóm chuyên gia của Trung Quốc đã đến thành phố Sihanoukville, nơi có nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc cũng như lao động nước này, giữa lúc số ca nhiễm gia tăng ở Campuchia.

Ông Hun Sen nói phe đối lập muốn nắm quyền phải 'chờ tới kiếp sau'

Thủ tướng Hun Sen nói đảng Nhân dân Campuchia (CPP) sẽ là lực lượng chính trị chiếm ưu thế tại nước này suốt cả thế kỷ nữa và phe đối lập muốn lên nắm quyền thì "chờ tới kiếp sau".

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm