Con trai, những ngày mẹ vắng nhà - nhan đề của cuốn sách dịu dàng như một lời thủ thỉ pha chút dỗ dành của người mẹ trẻ. Những trang sách nhỏ, không chỉ gói ghém bao tình cảm mà mẹ dành cho hai cậu con trai. Chất chứa trong đó là niềm thương, nỗi nhớ “gửi tặng” cả gia đình: cho cha mẹ già tận tụy vẫn dõi theo từng bước chân con cháu, cho người cha hiền lành, người chồng tận tụy đã cùng mẹ dựng xây gia đình nhỏ.
Giống như bao người mẹ khác, nuôi nấng những đứa con thơ là hành trình gian lao nhưng đầy ắp tiếng cười của Lê Thúy Hà. Chị chẳng cần tìm tới nơi xa xôi nào đó để có được nụ cười, chỉ cần quây quần bên bàn ăn, lắng nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh của hai cậu con trai cũng đủ khiến mẹ và cả nhà cười…vỡ bụng. Nếu đọc những mẩu chuyện dễ thương trong các bài viết: Em Su Su, Về ăn cơm, Không có tương lai, Chủ nghĩa hiện sinh… chắc chắn độc giả cũng phải bật cười thích thú.
Cha mẹ đã tặng cho con cái cuộc sống, nhưng cũng nhờ những đứa con thơ mà cha mẹ thêm trưởng thành. Trở thành mẹ, mẹ không còn điệu đà nuôi bộ móng tay dài kiêu sa để sơn lên đó lớp màu xanh, đỏ. Mẹ cắt hết chúng đi, để mùa hè có thể thoải mái gãi rôm cho con. Ngoài việc mua cho con những món đồ chơi, bố cùng con xây ngôi nhà ngộ nghĩnh bằng bìa cứng để con biết yêu giá trị của sức lao động. Cùng nuôi con khôn lớn, bố mẹ cũng trở nên gắn bó với nhau hơn. Điều giản dị ấy tạo nên gia đình!
Cuốn sách Con trai, những ngày mẹ vắng nhà. |
Người xưa có câu: “Nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”. Khi trở thành mẹ của hai cậu con trai, Lê Thúy Hà thấm thía hơn bao giờ hết điều giản dị này. Sinh trưởng trong gia đình nhà giáo, bố mẹ của cô tuy nghiêm khắc nhưng cũng rất tâm lý, luôn ở bên cạnh động viên con khi cần, dạy con “thắng không kiêu, bại không nản”. Trong cuốn sách nhỏ của mình, tác giả đã dành rất nhiều tình cảm cho bố mẹ dù chỉ qua vài dòng tâm sự và những câu chuyện đầy cảm động nhưng cũng không kém phần hài hước như: Viết nhân sinh nhật bố, Biển của một thời đã mất. Với bố mẹ Thúy Hà mãi là cô con gái bé bỏng, dẫu bây giờ cô đã là mẹ của hai đứa trẻ.
Giống như gạch nối tiếp theo của bộ sách Viết cho những điều bé nhỏ, tập tản văn Con trai, những ngày mẹ vắng nhà; dung dị mà tràn đầy yêu thương. Nó giống như nốt nhạc trong trẻo cứ thế ngân nga mãi tận sâu thẳm trái tim ta. Không màu mè, chẳng cần chau chuốt, những bài viết giản dị, như trang nhật ký của người mẹ trẻ viết vội sau một ngày vất vả. Để sau này các con hiểu rằng: gia đình không chỉ là cùng sống dưới một mái nhà, đó là nơi mà chúng ta nương tựa vào nhau trong cuộc sống, chia sẻ cùng nhau cả nước mắt và nụ cười.
Tác giả Lê Thúy Hà là một kiến trúc sư. Công việc của chị khiến người ta dễ liên tưởng đến sự lý trí, cứng nhắc. Nhưng bên trong “bà mẹ hai con hóm hỉnh” ấy là một tâm hồn lãng mạn, không kém bất cứ nhà văn nào. Đọc Con trai, những ngày mẹ vắng nhà độc giả có thể bắt gặp những vần thơ của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Sỹ Đại, lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương… Phải chăng chính sự lãng mạn đó đã mang lại cho tác giả môt tâm hồn tươi trẻ, để cô không chỉ làm mẹ mà còn trở thành bạn của con?