Giới doanh nhân quốc tế thường nghiền ngẫm câu “mục đích của đời sống là sống một đời có mục đích” (“the purpose of life is a life of purpose”) của nhà tư vấn và tác giả Robert Byrne. Vì thế phải tránh bằng được chọn sai mục đích. Nghĩa là đừng biến make money thành cứu cánh tối cao của đời sống. Bởi xưa nay ai cũng biết: “tiền có rách, dán đúng cách vẫn xài được. Nhân cách bị rách, thì là đồ bỏ.”
Trong chiều hướng ấy, chuyên nghiệp là phải tạo điều kiện để người tiêu dùng ngày càng trở nên sáng suốt, có khả năng thấu cảm hơn. Chính vì vậy, sự chuyên nghiệp đòi hỏi ở mức độ cao nhất có thể, vận dụng thông minh trí tuệ (IQ/Intelligence Quotient) và thông minh cảm xúc (EQ/Emotional Quotient).
Ảnh minh hoạ: Gary Barnes/Pexels. |
Thông là kết nối, liên hệ những gì thoạt nhìn rời rạc với nhau, nhằm cấu thành một tập hợp, hệ thống chặt chẽ. Minh là rõ ràng, sáng sủa, tỏ tường. Vậy, bản chất của thông minh là kết liên những tiểu tiết rối bời thành đại thể rạch ròi, tổng thể nhất quán; những đối kháng u mê vỡ vụn thành những tập hợp đằm thắm mượt mà; những cách trở xa xăm bát nháo thành gần gũi sát cánh kề vai...
Thông minh trí tuệ chủ yếu dựa vào hoạt động tư duy của trí não. Thông minh cảm xúc cơ bản là thấu đạt vận hành của cảm quan, xúc năng. Thông minh trí tuệ được vận dụng để giải quyết những tính toán, giằng co, trắc trở, trục trặc xảy ra trong công việc. Thông minh cảm xúc được viện đến để gỡ rối những toan tính, éo le, ân oán, đấu đá, thủ đoạn diễn ra giữa người và người.
Một điều cần ghi nhớ: ta có thể nhanh chóng trở nên hiểu biết hơn dựa vào hiểu biết của người khác, nhưng ta rất khó có thể trở nên thông minh hơn nhờ đơn thuần viện dẫn sự thông minh của người khác. Nói cách khác, ta có thể cõng vác một đống sách vở để thuộc lòng từ chương, ê a nhật tụng, chứng minh rằng mình cũng biết này biết nọ. Nhưng ta không thể chồng lên đầu ta những cái đầu khác và lắp ghép những trái tim khác với trái tim ta để có được thông minh trí tuệ và thông minh cảm xúc đích thực.
Chính vì vậy mà thông minh, trí tuệ lẫn cảm xúc, đòi hỏi một tiến trình tôi luyện không ngừng nghỉ. Nói khác đi, cần nuôi dưỡng thông minh từ trường lớp đến trường đời, bằng những trải nghiệm, nhằm có được những cọ xát, va chạm phong phú, vốn sống thực thụ.
Để đạt được những tính chất ấy, mỗi trải nghiệm phải là một thực nghiệm, chứng nghiệm nhằm giúp ta suy nghiệm, kiểm nghiệm, không chỉ về người thật việc thật, mà còn đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng nơi, hầu đúc kết, rút ra những điều hiệu nghiệm.
Đâu ngẫu nhiên mà trên thế giới, ở nhiều đất nước tiên tiến, con người vẫn thường được dạy dỗ: “phải bỏ những thói khôn vặt mới thật sự tinh khôn được; phải bỏ những mánh khóe nhỏ nhen mới mong thành đạt cơ đồ lớn; phải bỏ những bon chen tủn mủn mới đàng hoàng tiến bước trên đường dài.”
Tóm lại, kinh nghiệm, suy nghiệm, kiểm nghiệm giúp ta soi sáng những chặng đường đã qua. Trải nghiệm, thực nghiệm, chứng nghiệm lại giúp ta tự tin hơn với những bước chân đi tới. Trong suốt các tiến trình đó, thông minh trí tuệ và thông minh cảm xúc được tôi luyện mà thành. Giới doanh nhân quốc tế vẫn thường nhủ nhau: “đời khó nhằn thật, cưng à, nhưng cưng phải khó nhằn hơn đời” (“life is tough, darling, but so are you” của tác giả Stephanie Bennett Henry), mỗi khi bị ‘burnout’ (mất lửa) hay ‘stress’ (trầm cảm).
Hồi xưa, ông bà mình đã thấu đáo rõ ràng “ở bầu thì tròn ở ống thì dài; gần mực thì đen gần đèn thì sáng.” Khoa học ngày nay gọi đấy là tính chất “dễ nhào nặn” (“plasticity”) của khối óc và cả con tim. Hiểu chính xác theo hướng “không xài là mất” thì bộ não không khác gì cơ bắp. Không tập luyện, nó nhão, tập luyện thì nó săn chắc.
Người biết đọc biết viết, có học hành bằng cấp bài bản, nhưng cả đời lười đọc, cũng chẳng viết dù chỉ vài dòng thì không khác gì người vô học, mù chữ, dần dần không còn mảy may chút gì của thông minh trí tuệ. Tương tự, người học cao hiểu rộng nhưng sống lạnh lùng vô tâm, thì làm sao có được thông minh cảm xúc.
Bình luận