Nếu nhìn vào biểu đồ số ca mắc mới Covid-19 theo ngày của Mỹ, không khó nhận ra đâu là thời điểm biến chủng Omicron đạt đỉnh.
Ngày 30/12/2021, một tháng sau khi phát hiện ca dương tính đầu tiên với biến chủng Omicron, nước Mỹ lần đầu ghi nhận trên 500.000 ca mắc mới Covid-19 trong ngày. Đây là kết quả của sự tiến triển chóng mặt trong tình hình dịch bệnh tại Mỹ kể từ nửa sau tháng 12.
Số ca mắc mới Covid-19 tại Mỹ kể từ đầu đại dịch. Đồ họa: Our World in Data. |
Tuy vậy, con số này mới chỉ là sự khởi đầu. Làn sóng dịch thứ năm tại Mỹ - gây ra chủ yếu bởi biến chủng Omicron - lên tới đỉnh điểm vào giữa tháng 1. Trong ba ngày 13, 14, 15/1, số ca mắc mới trung bình 7 ngày tại Mỹ đã vượt mốc 800.000 ca, theo dữ liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Sự xuất hiện của làn sóng dịch thứ năm không phải điều quá bất ngờ với nước Mỹ. Ngay từ cuối tháng 11/2021, khi biến chủng Omicron chỉ mới xuất hiện và còn chưa lây lan tới quốc gia này, tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế của chính phủ Mỹ, đã cảnh báo về “khả năng rơi vào làn sóng thứ năm”, theo Guardian.
Dù vậy, số ca mắc mới tăng nhanh - thậm chí có lúc vượt mốc một triệu ca bệnh trong ngày - khiến một số người Mỹ không khỏi ngỡ ngàng. Kể từ giữa tháng 12/2021 tới giữa tháng 1 năm nay, số ca mắc mới trung bình 7 ngày tăng tới gần 7 lần - chỉ trong vòng một tháng.
Tỷ lệ tử vong thấp
Tuy vậy, nếu nhìn vào biểu đồ số ca tử vong theo ngày, đỉnh dịch khó nhận ra hơn. Nguyên nhân đầu tiên là số ca tử vong thường “đi sau” số ca bệnh. Theo số liệu của CDC Mỹ, ngày chết chóc nhất tại nước này trong làn sóng dịch thứ 5 là 1/2 với 4.065 người tử vong.
Số ca tử vong trung bình 7 ngày cũng đạt đỉnh vào hôm 2/2 - hơn nửa tháng sau khi số ca mắc mới đạt đỉnh - với 2.578 người.
Số ca tử vong theo ngày tại Mỹ kể từ đầu đại dịch. Đồ họa: Our World in Data. |
Nguyên nhân thứ hai đến từ tỷ lệ tử vong thấp của biến chủng này. “Đỉnh tử vong” của làn sóng dịch thứ 5 không quá khác biệt so với các đợt dịch trước đó, thậm chí thấp hơn đợt dịch cuối năm 2020 - đầu năm 2021, khi số ca tử vong trung bình 7 ngày tại Mỹ có lúc lên tới hơn 3.400 ca.
Dù vậy, điều này không có nghĩa biến chủng Omicron không gây nguy hiểm. Giới chuyên gia y tế chỉ ra dù tỷ lệ tử vong của chủng Omicron thấp hơn chủng Delta, số ca mắc mới lớn cũng khiến số ca tử vong và phải nhập viện tăng theo.
"Mặc dù Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn Delta, đặc biệt là ở những người đã được tiêm chủng, điều đó không có nghĩa nó nên được phân loại là nhẹ", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đầu tháng 1 năm nay.
Theo New York Times, trong gần ba tháng từ ngày 24/11/2021 (khi Nam Phi thông báo về chủng Omicron lên WHO) tới ngày 19/2, nước Mỹ ghi nhận hơn 30 triệu ca mắc mới và hơn 154.000 ca tử vong.
Để so sánh, trong ba tháng 8, 9, 10/2021 (khi đợt dịch mùa thu 2021 tại Mỹ hoành hành), nước này ghi nhận gần 11 triệu ca mắc mới và hơn 132.000 ca tử vong.
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Mỹ kể từ đầu tháng 12/2021 tới nay. Có thể thấy biến chủng Omicron gây ra tỷ lệ tử vong thấp hơn. Cần lưu ý rằng tỷ lệ này tính theo số ca bệnh/tử vong tích lũy từ đầu đại dịch, không phải số ca mắc trong ngày. Đồ họa: Our World in Data. |
Số ca nhập viện mỗi ngày tại Mỹ cũng cao hơn các đợt dịch trước, kể cả làn sóng dịch mùa đông 2020-2021. Trong tuần đỉnh điểm 9-15/1, trung bình mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận hơn 21.000 ca phải nhập viện do Covid-19, theo dữ liệu của CDC Mỹ.
Giờ đây, làn sóng dịch do chủng Omicron tại Mỹ đã lắng dịu. Trong hai ngày 20-21/2, số ca mắc mới trung bình 7 ngày mà nước này ghi nhận đã giảm xuống dưới 100.000 ca, thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2021.
Thực tế tại châu Âu
So với Mỹ, làn sóng dịch do biến chủng Omicron tại Anh đến sớm hơn. Các dấu hiệu đã xuất hiện ngay từ đầu tháng 12, trước khi nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến chủng mới hôm 13/12.
Hôm 14/12 - khi nước Anh lần đầu vượt ngưỡng 100.000 ca mắc mới trong ngày - tiến sĩ Susan Hopkins, một trong những cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ Anh, nhận định nước này có thể chạm mốc một triệu ca bệnh mỗi ngày vào cuối tháng 12.
Dù không nghiêm trọng như bà Hopkins dự đoán, làn sóng dịch do Omicron tại Anh quả thật đã đạt những cột mốc mới vào cuối năm.
Trong khoảng thời gian cuối tháng 12/2021 - đầu tháng 1 năm nay, nước này nhiều lần ghi nhận trên 200.000 ca bệnh mỗi ngày. Trong 10 ngày kể từ 27/12 tới 5/1, hơn 2,1 triệu ca bệnh được giới chức y tế phát hiện.
Dù vậy, giống như Mỹ, số ca bệnh tăng cao không đồng nghĩa với số ca tử vong tăng chóng mặt theo.
So sánh số ca mắc mới Covid-19 gây ra bởi chủng Omicron với hai chủng Alpha và Delta tại Anh. Đồ họa: Guardian. |
So sánh số ca tử vong do Covid-19 gây ra bởi chủng Omicron với hai chủng Alpha và Delta tại Anh. Đồ họa: Guardian. |
Theo dữ liệu của chính phủ Anh, bất chấp làn sóng dịch chưa từng có trong lịch sử, số ca tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với đợt dịch đầu năm 2021 do chủng Alpha gây ra, và chỉ cao hơn chút ít so với chủng Delta.
Tới giữa tháng 1, các dấu hiệu cho thấy nước Anh đã vượt qua đỉnh dịch. Dù vậy, số ca mắc mới mỗi ngày tại Anh vẫn ở mức trên dưới 100.000 ca. Phải đến cuối tháng 1, con số này mới tiếp tục giảm mạnh. Hôm 21/2, nước này lần đầu ghi nhận dưới 30.000 ca mắc mới trong ngày kể từ đầu tháng 11/2021.
Bên cạnh Anh, Pháp cũng là nước chịu tác động nặng nề hàng đầu châu Âu do chủng Omicron. Nước này thậm chí phát hiện hơn 500.000 ca mắc mới trong 24 giờ hôm 25/1, con số cao nhất từng được ghi nhận ở “lục địa già”.
“Làn sóng dịch thứ năm đang tới đây với tất cả sức mạnh”, Thủ tướng Pháp Jean Cartex nói hôm 17/12. Ông so sánh sự lây lan của chủng Omicron tại châu Âu như “tia chớp”.
Số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày tại Pháp kể từ đầu tháng 12/2021 đến nay. Đồ họa: Our World in Data. |
Khác với Anh, làn sóng dịch tại Pháp bắt đầu muộn hơn và chỉ có dấu hiệu chững lại vào cuối tháng 1. Dù vậy, giữa thời kỳ đỉnh điểm của dịch, giới chức Pháp vẫn giữ kế hoạch chấm dứt hàng loạt nhiều biện pháp phòng ngừa - như quy định làm việc tại nhà 3 ba ngày mỗi tuần hay mở lại các hộp đêm.
Các nhà lãnh đạo Pháp tin tưởng số ca bệnh nặng vẫn trong tầm kiểm soát và dịch bệnh sẽ bắt đầu lắng xuống. Nhận định này đã được chứng minh là đúng đắn. Kể từ cuối tháng 1, số ca mắc mới Covid-19 tại Pháp đã có chiều hướng giảm, trong khi số ca tử vong cũng có dấu hiệu chững lại.
“Chúng ta đang ở thời điểm bắt đầu một thời kỳ mới”, giáo sư Jean-François Delfraissy, người đứng đầu nhóm cố vấn của chính phủ Pháp về Covid-19, nói với Le Parisen. “Chúng ta sẽ còn sống với SARS-CoV-2 trong một thời gian dài nữa, nhưng sẽ theo cách thức khác”.