Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con lai Triều - Trung lạc lõng ở Hàn Quốc

Những đứa trẻ lai Triều Tiên - Trung Quốc khi đoàn tụ với gia đình ở Hàn Quốc phải đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn vì rào cản văn hóa. Chúng bị lạc lõng, khó hòa nhập cộng đồng.

Song Hong Ryon trông giống bất kỳ cô gái trẻ nào ở Hàn Quốc. Nhưng 3 năm đến đây từ Trung Quốc, cô gái 19 tuổi mang dòng máu nửa Triều Tiên, nửa Trung Quốc vẫn chỉ có vỏn vẹn 2 người bạn Hàn Quốc. Ryon vẫn thường bị tổn thương bởi những điều nhỏ nhặt, như bị người Hàn hỏi có phải người Trung Quốc không vì giọng nói.

“Tôi đã bị tổn thương rất nhiều về điều đó”, cô nói.

Mẹ của Ryon đào tẩu khỏi Triều Tiên sang Trung Quốc vào cuối những năm 1990 để kiếm kế sinh nhai như hàng chục nghìn người phụ nữ Triều Tiên khác. Bà phải tránh nạn đói và thất nghiệp ở quê nhà.

Trong số những phụ nữ như mẹ của Ryon, nhiều người bị bán làm cô dâu cho nông dân Trung Quốc. Họ phải bỏ trốn một lần nữa sang Hàn Quốc, nơi giang tay với những người tị nạn.

Những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình như Ryon, nếu được đoàn tụ với gia đình ở Hàn, phải chịu sự xa lánh và định kiến. Họ phải vật lộn với nền văn hóa mới, khác lạ, rời xa bạn bè, người thân.

Hãng tin AP đã phỏng vấn 3 đứa trẻ và 2 bà mẹ Triều Tiên để hiểu được câu chuyện ít người biết đến của họ.

Cô đơn ở Hàn Quốc

Nhiều bà mẹ Triều Tiên đào tẩu sang Trung Quốc luôn sống trong nỗi lo sợ bị bắt và trục xuất về nước. Họ sợ bị bắt giam và tra tấn khi về nước. Khi họ tiếp tục mạo hiểm sang Hàn Quốc, họ thường bỏ lại con cái ở Trung Quốc.

Những người may mắn có việc làm và tiết kiệm được tiền ở Hàn Quốc mới có thể đón chồng và con sang du lịch. Có những đứa trẻ bị cả cha bỏ rơi vì họ không muốn rời quê hương đến một nơi không có người thân, bạn bè.

Những đứa con lai Triều - Trung vẫn phải chờ nhiều năm nếu may mắn được đoàn tụ gia đình. Chúng phải tự chăm sóc bản thân những năm niên thiếu.

con lai Trieu – Trung o Han Quoc anh 1
Song Hong Ryon trông giống một cô gái Hàn Quốc nhưng vẫn bị tổn thương vì bị tưởng là người Trung Quốc. Ảnh: AP.

Ryon kể rằng mẹ cô rời khỏi nhà họ ở Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc năm 2010 khi cô chỉ mới 10 tuổi. Một năm sau, cha cô cũng theo sang Hàn Quốc, để cô lại với ông bà.

“Khi mẹ bỏ đi, tôi không khóc. Nhưng khi cha tôi cũng đi, tôi đã khóc rất nhiều”, Ryon nói. “Tôi nghĩ rằng đó là vì tôi cảm thấy mình thật sự cô đơn”.

Sau 6 năm xa cách, Ryon mới có thể đoàn tụ gia đình ở Hàn Quốc vào năm 2016. Tháng 12/2018, mẹ cô qua đời vì bệnh ung thư phổi.

“Tôi đổ lỗi cho Chúa”, Ryon, tín đồ sùng đạo Kitô, nói. “Tôi đã hỏi tại sao điều này lại xảy ra với tôi”.

Cảm thấy như người ngoài cuộc

Ở Hàn Quốc, những đứa trẻ như Ryon thường phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bản sắc, rào cản ngôn ngữ, sự thờ ơ của mọi người và phúc lợi xã hội kém. 

Nhiều người trong số họ cảm thấy như người ngoài cuộc và bị bỏ lại phía sau về học thuật và xã hội. Có những đứa trẻ phải chấp nhận chia tay gia đình để quay lại Trung Quốc vì không chịu đựng được.

Họ thường bị nhầm là người tị nạn Triều Tiên, Hàn Quốc hoặc Trung Quốc. Và chỉ vì cha mẹ không phải người gốc Hàn Quốc, họ không được giúp đỡ để hòa nhập cộng đồng.

“Ngoài thành kiến của xã hội Hàn Quốc, họ (những đứa trẻ lai Triều -Trung) cũng có quan điểm sai lệch về Hàn Quốc. Họ gần như bỏ qua các cơ hội để phát triển bản thân nên không thể khơi dậy năng lực của mình”, Kim Doo Yeon, Hiệu trưởng trường Great Vision School ở Uijeongbu, phía Bắc Seoul, nơi Ryon theo học 2 năm, cho biết.

con lai Trieu – Trung o Han Quoc anh 2
Kim Hyun Seung, 20 tuổi, từ Thiên Tân, Trung Quốc, đến Hàn Quốc 3 năm trước để đoàn tụ với mẹ, người đã đến đó 6 năm. Ảnh: AP.

Choe, một cô gái lai Triều - Trung khác, không dám tiết lộ tên đầy đủ vì lo ngại truyền thông hủy hoại cuộc sống của cô ở Hàn Quốc, cũng đến Seoul từ Trung Quốc năm 2018 để đoàn tụ với người mẹ Triều Tiên tị nạn của mình.

Choe, 20 tuổi, chỉ nói được một ít tiếng Hàn và không có bạn bè Hàn Quốc. Cô vẫn chưa dám đi du lịch một mình ra khỏi Seoul và thường dành thời gian trò chuyện với bạn bè ở Trung Quốc qua mạng.

Mẹ cô bỏ trốn khỏi nhà của họ ở Đôn Hoá, phía Đông Bắc Trung Quốc, vào đầu năm 2017 sau khi chứng kiến một người phụ nữ đồng hương Triều Tiên cùng làng bị bắt và trục xuất về nước.

“Tôi rất buồn”, Choe nước mắt lưng tròng nói về cuộc chia ly với mẹ.

Mẹ cô, bà Choe H.Y, kể rằng những kẻ môi giới đã dụ dỗ bà vượt biên sang Trung Quốc với lời hứa hẹn về một công việc nhưng sau đó lại bán bà cho bố Choe với giá 5.000 nhân dân tệ (710 USD) năm 1998.

Ryon cho biết mẹ cô cũng gần như bị bán cho một người lạ nhưng may mắn trốn thoát và gặp cha cô.

con lai Trieu – Trung o Han Quoc anh 3
Choe nghịch điện thoại trước cuộc phỏng vấn với AP. Ảnh: AP.

Khi đến Hàn Quốc, những đứa trẻ như Choe, Ryon được trao quốc tịch Hàn vì mẹ chúng giờ đã là người Hàn. Nhưng vì chúng không còn liên hệ với Triều Tiên nên chúng không nhận được những đãi ngộ như người tị nạn, như: được miễn kỳ thi tốt nghiệp cạnh tranh khốc liệt, miễn học phí đại học và nam giới được chọn có đi nghĩa vụ quân sự hay không.

Choe cho biết anh trai cô vẫn còn ở Trung Quốc vì sợ sẽ phải phục vụ trong quân đội.

Choe muốn cải thiện khả năng tiếng Hàn của mình để theo học đại học ở Hàn Quốc, điều đó có nghĩa là cô phải cạnh tranh với các sinh viên Hàn trong kỳ thi tuyển sinh đại học.

Nhưng đó là cả một vấn đề với Choe. “Tôi cố nói chuyện sâu hơn bằng tiếng Hàn nhưng con (Choe) không hiểu. Vì vậy, tôi mất kiên nhần và lại nói bằng tiếng Trung với con”, bà Choe H.Y bộc bạch.

Không dám tìm bạn gái vì sợ giống bố mẹ

Những đứa trẻ có mẹ là người Triều Tiên đào tẩu vào Trung Quốc khoảng 20 năm trước giờ đây đã trưởng thành và vì xuất thân đó, chúng có thể gặp nhiều khó khăn ở Hàn Quốc.

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, khoảng 1.550 đứa trẻ như vậy đã được ghi danh vào các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Hàn Quốc tính đến tháng 4 năm nay. Số học sinh, sinh viên sinh ra ở Triều Tiên chỉ khoảng 980 người. Như vậy, số con lai Trung - Triều ở Hàn cao hơn khá nhiều.

Trong những năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng giúp đỡ những đứa trẻ này bằng cách cung cấp 4 triệu won (3.390 USD) cho gia đình họ và cắt cử giáo viên song ngữ đến trường.

Shim Yang Sup, hiệu trưởng trường South-North Love School trụ sở tại Seoul, cho biết những đứa trẻ lai nên được hỗ trợ vì chúng là nguồn lực chưa được khai phá với khả năng nói 2 ngoại ngữ và mang 2 nền văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc.

Kim Hyun Seung, 20 tuổi, từ Thiên Tân, Trung Quốc, đến Hàn Quốc 3 năm trước để đoàn tụ với mẹ, người đã đến đó 6 năm.

Bà Kim So Yeon, 52 tuổi, nói Seung là người con trai có hiếu và tuyệt vời. Anh đã cố nén sự tủi thân để không làm mẹ buồn. Bà Yeon kể có lần anh còn nấu món ăn đặc biệt cho bà vào dịp sinh nhật.

con lai Trieu – Trung o Han Quoc anh 4
Kim Hyun Seung trả lời phỏng vấn ở trường South-North Love School tại Seoul. Ảnh: AP.

Seung nói rằng anh không muốn phục vụ trong quân đội Hàn Quốc và mơ ước trở thành đầu bếp trong nhà hàng Pháp.

Seung không có ý định tìm bạn gái nghiêm túc vì sợ “trở thành bậc cha mẹ khiến con mình đau khổ như bố mẹ mình”, không thể sống cùng nhau và có nhiều thứ phải lo.

Về phần Ryon, khả năng nói 2 ngoại ngữ đã giúp cô được nhận vào một trường đại học gần Seoul. Học kỳ đầu tiên của cô bắt đầu vào tháng 3. Cô rất hào hứng và hồi hộp vì được gặp những người bạn Hàn Quốc.

“Tôi nhìn vào những điều tích cực, bởi vì ngay cả khi tôi phàn nàn về những khó khăn mà tôi gặp phải, chúng vẫn không thay đổi”, Ryon chia sẻ. “Đôi khi tôi phát ốm vì ủ rũ, chán chường. Nhưng thời gian trôi qua, tôi chỉ cảm thấy nhớ mẹ hơn bao giờ hết”.

Bất chấp lệnh cấm vận, thị trường smartphone Triều Tiên vẫn sôi động

Triều Tiên đang né các lệnh trừng phạt của Mỹ để kiếm tiền từ nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng ở nước này. Họ vẫn nhập khẩu phần cứng để sản xuất điện thoại.

Ông Kim thăm núi thiêng, kêu gọi chống 'bè lũ đế quốc'

Đây là chuyến đi thứ hai của nhà lãnh đạo đến ngọn núi cao nhất bán đảo Triều Tiên trong chưa đầy 2 tháng, cho thấy ông có thể sớm đưa ra quyết định quan trọng.




Hà Lan

Bạn có thể quan tâm