Sau 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhà máy tại TP.HCM đang tăng cường tuyển dụng người lao động mới để đào tạo và sẵn sàng cho giai đoạn tái sản xuất.
Đây cũng được xem là giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp do phần lớn nguồn nhân lực đã trở về quê để tránh dịch, khiến kế hoạch tái sản xuất kinh doanh gặp nhiều trở ngại. Không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh "khủng hoảng nhân sự" do thiếu người lao động.
Những ngày cuối tháng 9, Công ty Nidec Việt Nam nằm trong Khu công nghệ cao TP Thủ Đức (TP.HCM) đang đẩy nhanh công tác tuyển dụng công nhân hơn bao giờ hết với mức thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng.
Theo các thông tin tuyển dụng được đăng tải, Công ty Nidec đang tuyển cả người lao động từng làm cho nhà máy này trước đây và người lao động mới với những yêu cầu đơn giản.
Nhiều trợ cấp để hút công nhân
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn đưa ra nhiều trợ cấp bên cạnh lương chính khi tham gia làm việc tại công ty này. Cụ thể, Nidec Việt Nam hỗ trợ người lao động giấy thông hành, cung cấp chỗ ở tại khách sạn trong thời gian chờ xét nghiệm Covid-19 và vẫn trả 70% lương cơ bản. Đặc biệt, người lao động được trả thêm trợ cấp 140.000 đồng/ngày và chuẩn bị suất ăn 3 bữa trong ngày.
Chia sẻ với Zing, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đang dự kiến sẽ hoạt động trở lại 50% công suất trước khi dịch bệnh bùng phát, tương đương khoảng 3.000 người lao động. Tuy nhiên, Nidec Việt Nam phải đợi Ban quản lý Khu Công nghệ cao chấp thuận phương án tăng người lao động.
Các ngành sản xuất đang rất nỗ lực tìm kiếm nguồn lao động. Ảnh: Việt Linh. |
"Do không thể chờ đến lúc phương án tăng người lao động được phê duyệt, chúng tôi quyết định tuyển thêm người lao động để đào tạo. Trong thời gian đào tạo, nhân viên sẽ được cung cấp chỗ ở trong khách sạn, nhận trợ cấp 140.000 đồng/ngày, 70% lương và được hỗ trợ ngày 3 bữa ăn", ông Lưu Kim Hồng nói thêm.
Ông Hồng chia sẻ vẫn còn một lượng lớn người lao động của doanh nghiệp ở lại TP.HCM, tuy nhiên nhiều người bị kẹt trong những khu cách ly, nơi phong tỏa nên không thể sớm quay trở lại làm việc.
Ngoài ra, Chủ tịch công đoàn Nidec Việt Nam cho biết hiện nay các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao đều đang phải chi trả một khoản chi phí rất lớn để duy trì sản xuất như phí xét nghiệm, thuê khách sạn, thực hiện "2 địa điểm, 1 cung đường", "3 tại chỗ"... Thậm chí nhiều doanh nghiệp hoạt động trong thời gian này không có lãi.
Ông Lưu Kim Hồng cho biết mỗi ngày Nidec Việt Nam chi hàng chục triệu đồng tiền thuê khách sạn cho công nhân viên. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác thuê cả khách sạn 4-5 sao và trợ cấp 200.000-500.000 đồng/ngày cho người lao động. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang cạnh tranh rất cao trong hoạt động thu hút, tìm kiếm nguồn nhân lực.
"Nguồn lao động hiện nay đang rất khan hiếm. Trước dịch họ xin việc vào các nhà máy rất đông nhưng khi dịch bệnh bùng phát đã nghỉ rất nhiều. Chúng tôi khó có thể cạnh tranh về lương nhưng nhiều người lao động trẻ họ thích làm việc tại Nidec Việt Nam do có thể tăng ca, tăng thu nhập và tiết kiệm chi phí sinh hoạt do được công ty cung cấp đủ 3 bữa ăn", ông Hồng nói thêm.
Trong khi đó, tại Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức, Công ty Intel Products Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đưa ra mức trợ cấp cao nhất với 500.000 đồng/ngày và cung cấp chỗ ở tại khách sạn 4-5 sao cho người lao động.
"Cơn khát" người lao động sau dịch
Trao đổi với Zing, đại diện Intel Products Việt Nam cho biết trong giai đoạn này, doanh nghiệp không tuyển mới quá nhiều do đa số nhân viên cũ vẫn gắn bó với công ty. Chính vì vậy, lượng nhân sự của nhà máy Intel không biến động và xáo trộn nên không rơi vào cơn khủng hoảng nguồn nhân lực như nhiều doanh nghiệp khác.
Đồng thời, tập đoàn này cũng đang đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên. Hơn 1.800 nhân viên của Intel Việt Nam đang lưu trú tập trung tại các khách sạn để đảm bảo sản xuất ổn định trong giai đoạn này.
Bình luận về tình trạng trên, ông Chương Nguyễn, Phó giám đốc bộ phận tuyển dụng Văn phòng TP.HCM Công ty Adecco Việt Nam đánh giá nhu cầu tuyển dụng lao động nhà máy và lao động khối trực tiếp tăng đột xuất, tăng hơn 100% so với năm ngoái.
Doanh nghiệp đang đẩy nhanh kế hoạch tiêm vaccine để người lao động sớm có thể quay trở lại. Ảnh: Duy Hiệu. |
Nguyên nhân là các công ty sản xuất gặp nhiều khó khăn với mô hình 3 tại chỗ và dịch bệnh khiến lao động trở thành F0, bị cách ly hoặc rời thành phố về quê. Khối sản xuất hàng dệt may, da giày và điện tử đang vào mùa tăng sản lượng sản xuất để phục vụ dịp mua sắm cuối năm nên nhu cầu tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm.
Đại diện Adecco Việt Nam cũng cho biết các nhu cầu tuyển dự án với số lượng nhân công lớn thời vụ (100-200 nhân công) tăng nhiều. Tuy nhiên, đối với khối lao động cấp quản lí và lao động chuyên môn cao, do doanh nghiệp chủ động được trong vấn đề sắp xếp nơi ở và đi lại nên biến động không nhiều.
Nhu cầu tuyển dụng lao động nhà máy và lao động khối trực tiếp tăng đột xuất với hơn 100% so với năm ngoái.
Ông Chương Nguyễn, Phó giám đốc bộ phận tuyển dụng Văn phòng TP.HCM Công ty Adecco Việt Nam
"Khối doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn hiện nay là logistics, hàng tiêu dùng, doanh nghiệp xuất khẩu hàng điện tử, may mặc và đồ thể thao", ông Chương nói với Zing.
Để thu hút được nguồn nhân lực lớn trong bối cảnh tuyển dụng cạnh tranh như hiện nay, ông Chương cho rằng trước tiên, doanh nghiệp có thể xem xét hỗ trợ các nhu cầu cơ bản như suất ăn chất lượng và dinh dưỡng tốt, hay chỗ ở đảm bảo an toàn và tạo cảm giác tiện nghi, thoải mái do lao động phải xa gia đình nhiều ngày.
Vị này cũng nhấn mạnh chế độ hỗ trợ có thể mở rộng với các phụ cấp làm thêm trong thời gian đặc biệt ngoài lương ngoài giờ, chương trình chăm sóc tinh thần, các phương tiện giải trí và thể thao, cũng như xem xét hỗ trợ các yếu tố gia đình vốn có thể chi phối người lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể ưu tiên xem xét thăng bậc hay khen thưởng cho người lao động có năng lực và cống hiến tốt trong giai đoạn khó khăn này để gắn kết đội ngũ.