|
Với kế hoạch thực hiện giãn cách xã hội đến hết ngày 15/9 tại TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam, nơi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đang gấp rút đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, từ đó lên kế hoạch trở lại.
Theo chia sẻ của bà H.L, trưởng phòng nhân sự một công ty chuyên về dịch vụ, thương mại sửa chữa ôtô tại TP Thủ Đức, mấy ngày nay bà cùng các trưởng bộ phận ráo riết liên hệ với 300 nhân sự công ty để lên kế hoạch sẵn sàng hoạt động trở lại sau ngày 15/9.
“Ban tổng giám đốc đánh giá khả năng các ngành nghề, trong đó có dịch vụ sẽ nhanh chóng mở lại sau mốc 15/9, khi TP.HCM cơ bản trở lại trạng thái bình thường mới. Theo yêu cầu, tôi phải rà soát số lượng nhân sự còn ở lại thành phố bao nhiêu, tỷ lệ đã được tiêm vaccine thế nào, từ đó công ty mới lên phương án cụ thể, bao gồm quy định chi tiết để bảo đảm an toàn khi doanh nghiệp hoạt động trở lại, bà L. nói.
Nhiều thách thức sau giãn cách
Theo trưởng phòng nhân sự này, khả năng mở lại hoạt động sau ngày 15/9 của công ty là có thể, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện hơn 50% nhân sự công ty đã về quê sau khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16. Số nhân sự vẫn trụ lại thành phố thì tỷ lệ đã tiêm vaccine mũi 1 chỉ 30%.
“Công ty không nằm trong diện dịch vụ thiết yếu nên không được ưu tiên tiêm vaccine. Ban lãnh đạo đã phải làm mọi cách, từ gửi ‘tiêm ké’ ở doanh nghiệp đối tác đến khuyến khích người lao động tiêm tại nơi cư trú nhưng số lượng tiêm cũng không được bao nhiêu”, bà L. cho biết.
Như vậy, với số lượng nhân sự khó có thể trở lại TP.HCM kịp mốc 15/9, cộng với số chưa được tiêm vaccine khá lớn, theo bà L. nếu công ty vẫn quyết định mở lại hoạt động thì nhân sự tham gia chỉ khoảng hơn 20%. Do đó, phương án duy nhất lúc này là số nhân sự còn ở lại TP.HCM phải nỗ lực được tiêm vaccine sớm.
Theo HUBA, khoảng 84% doanh nghiệp tại TP.HCM đã hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 cho người lao động. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, Giám đốc Công ty Công nghệ Môi trường WEPAR (tại quận Tân Phú, TP.HCM), vấn đề thiếu hụt nhân sự của doanh nghiệp là một trong những khó khăn lớn nhất khi hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách.
Bà Mãi cho biết hiện nay, văn phòng công ty vẫn tạm đóng cửa và làm việc online.
"Thời gian tới, nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tăng và chưa kiểm soát được thì doanh nghiệp chúng tôi vẫn đẩy mạnh hướng làm việc online. Nhân viên lắp đặt, bảo trì, vận chuyển hàng hóa công ty sẽ ưu tiên tuyển dụng các lực lượng đã đủ 2 mũi vaccine và những người từng nhiễm nhưng đã khỏe mạnh để làm việc. Tuy nhiên, lực lượng nhân sự một phần đã về quê dẫn đến khó tuyển dụng lao động trong thời gian tới", bà Mãi cho biết.
6 tháng "3 tại chỗ" bằng 1 tháng bình thường
Trong khi chưa nhận được hướng dẫn cụ thể của Chính phủ cũng như UBND địa phương về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian giãn cách xã hội, một số doanh nghiệp cho biết đang phải duy trì mọi nguồn lực để sản xuất theo phương án "3 tại chỗ".
Nhận định về tình hình doanh nghiệp, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty May mặc Dony tại TP.HCM, cho biết việc thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" gặp rất nhiều khó khăn. Những quy định mới về giấy đi đường khiến việc vận chuyển hàng hóa vốn nhiều trở ngại nay càng thêm phức tạp.
Chính vì vậy, ông mong Chính phủ và các địa phương xem xét sớm kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống của người dân, doanh nghiệp trở lại bình thường. Mục tiêu cuối cùng lúc này, cho dù doanh nghiệp thiệt hại nhiều nhất trong ngắn hạn, là rút ngắn thời gian giãn cách, hạn chế sản xuất kinh doanh và sớm quay trở lại trạng thái ổn định.
"Ban đầu, chúng tôi hy vọng có thêm nhiều hỗ trợ trong việc hoạt động trong thời gian giãn cách. Tuy nhiên, sau một thời gian sản xuất "3 tại chỗ", chúng tôi nhận thấy công việc rất khó khăn và tốn kém. Cụ thể, 6 tháng sản xuất trong giãn cách không hiệu quả bằng 1 tháng sản xuất trong điều kiện bình thường", ông Quang Anh chia sẻ.
Việc thực hiện "3 tại chỗ" trong nhà máy tốn rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến năng suất sản xuất. Ảnh: Chí Hùng. |
Với vướng mắc tương tự, bà Lý Thanh Phong, Giám đốc Công ty 3D Hb Global, các việc siết chặt các biện pháp an toàn phòng chống dịch khiến công ty ảnh hưởng nhiều về mặt nhân lực, nguồn nguyên vật liệu, đơn hàng... song ảnh hưởng lớn nhất là chi phí tăng khi phải thực hiện "3 tại chỗ".
"Sau giãn cách, khi sản xuất trở lại, việc khó khăn nhất là giảm tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa công nhân trong nhà máy trong điều kiện không áp dụng "3 tại chỗ". Để giải quyết vấn đề này, công ty sẽ siết chặt các biện pháp 5K và xét nghiệm thường xuyên hơn", bà Lý Thanh Phong chia sẻ với Zing.
Để làm được điều này, Giám đốc Công ty 3D Hub Global hy vọng được Nhà nước hỗ trợ chi phí làm xét nghiệm hoặc hỗ trợ thêm bởi đây là một khoản chi khá lớn nếu xét nghiệm thường xuyên. Bên cạnh đó, bà Phong cũng hy vọng doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hóa.
Cần nới lỏng "3 tại chỗ"
Nói với Zing, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đánh giá việc các doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất trở lại sau ngày 15/9 hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết định và các phương án phòng chống dịch Covid-19 thời gian sắp tới của TP.HCM. Trong đó, ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh động lực lớn nhất để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trở lại là phải nới lỏng các quy định "3 tại chỗ"
"Nếu sau 15/9, phương án “3 tại chỗ” không được nới lỏng thì câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp nên tiếp tục cầm cự hay đóng cửa. Nếu tình hình các điều kiện kinh doanh không được cải thiện, tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa sẽ tiếp tục tăng cao", Chủ tịch HUBA thẳng thắn nhìn nhận.
Ông Dũng cũng cho rằng cần có nhiều điều kiện để các doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận sớm bắt nhịp hoạt động trở lại. Một trong những điều kiện quan trọng là điều kiện vay vốn trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt dòng tiền sau thời gian dài đối phó với dịch bệnh và cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, vấn đề tiêm vaccine cho người lao động cần phải được đẩy mạnh để đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi doanh nghiệp hoạt động trở lại. Theo báo cáo của Hiệp hội, hiện đã có khoảng 84% doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người lao động, 16% đang cố gắng tiếp cận nguồn vaccine và sớm lên kế hoạch tiêm chủng.