Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con đường trở lại đàm phán Mỹ - Triều đi qua Bắc Kinh

Cựu ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong đến Bắc Kinh cùng thời điểm với Đặc phái viên của Mỹ Stephen Biegun, cho thấy vai trò của Trung Quốc trong quá trình đàm phán.

Theo SCMP, truyền thông Nhật Bản và Hàn Quốc đưa tin hôm 26/3, ông Ri Su Yong, cựu ngoại trưởng và cũng là phó chủ tịch ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên, đã xuất hiện và được tiếp đón ở Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh bởi Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae Ryong và các quan chức sở tại.

Chuyến thăm của ông Ri đến vào thời điểm mà Đặc phái viên Triều Tiên của Mỹ, ông Stephen Biegun, cũng có mặt tại Bắc Kinh. Theo thông báo của đại sứ quán Mỹ, ông Biegun bắt đầu thăm Trung Quốc từ ngày 24/3 với nhiệm vụ tiếp tục phối hợp với Bắc Kinh về các chính sách với Triều Tiên.

Nối lại đối thoại sau thượng đỉnh Hà Nội

Không có chi tiết nào được công bố về lịch trình công du của cả ông Biegun và ông Ri. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Washington và Pyongyang đang tái khởi động các cuộc đàm phán sau khi ông Trump và ông Kim đã không đạt được một thỏa thuận trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội vào cuối tháng trước.

Dam phan hat nhan Trieu Tien anh 1
Đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên của Mỹ, ông Stephen Biegun đang có chuyến thăm Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Ông Boo Seung Chan, giáo sư kiêm nhiệm tại trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Viện Yonsei ở Seoul cho biết chuyến đi của ông Biegun và ông Ri thể hiện quyết tâm nối lại đối thoại của Washington và Bình Nhưỡng, bên cạnh đó cũng thể hiện vai trò trung gian của Trung Quốc.

"Washington có thể đã nhận ra những rủi ro và hạn chế mà mô hình đàm phán từ đỉnh xuống đem lại sau khi hội nghị thượng đỉnh Hà Nội kết thúc mà không có kết quả nào", ông Boo nhận định.

Đặc phái viên Biegun bắt đầu chuyến đi đến Bắc Kinh sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố trên Twitter rằng ông đã rút lại những lệnh cấm vận mới với Triều Tiên mà Bộ Tài chính mới đưa ra, một động thái thể hiện thiện chí với Bình Nhưỡng.

Đáp lại, vào hôm 25/3, Triều Tiên đã đưa các nhân viên ngoại giao trở lại văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn Kaesong, sau khi đột ngột rút họ đi 2 ngày trước đó.

Ông Kim Jong Un được cho là đang đứng trước áp lực phải phát triển kinh tế Triều Tiên sau khi tuyên bố đó là nhiệm vụ trọng tâm vào tháng tư năm ngoái. Nếu không được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế, tham vọng này của Triều Tiên sẽ không thể trở thành hiện thực.

Phát triển kinh tế là phần thưởng lớn nhất mà ông Trump đưa ra với Triều Tiên trong quá trình đàm phán nhằm yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Vào hồi tháng 6/2018 tại Singapore, ông Trump còn mang tới một bộ phim ngắn, mô tả về một nền kinh tế Triều Tiên phát triển hiện đại trong tương lai.

Mặc dù vậy, cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng trước vẫn kết thúc mà không có được kết quả cụ thể nào, tiến trình đàm phán bế tắc do hai bên không đồng quan điểm về những bước nhượng bộ của mỗi bên.

Dam phan hat nhan Trieu Tien anh 2
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Hà Nội. Ảnh: AFP.

Lá bài ngoại giao hấp dẫn

"Cả hai bên đã để lộ những khác biệt về định nghĩa phi hạt nhân hóa của họ, và phía Mỹ có thể cảm thấy Trung Quốc có thể có vai trò lớn hơn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa hai bên", ông Boo cho biết và nhận định Mỹ có thể đã đề nghị Trung Quốc tham gia tích cực hơn vào quá trình trung gian.

"Dù có thế nào thì sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội, tình hình bế tắc nhiều khả năng sẽ tiếp diễn một thời gian. Trung Quốc sẽ là lá bài ngoại giao hấp dẫn với Washington để phá vỡ tình thế này", ông Boo nhận xét.

Washington tỏ ra khá lưỡng lự trong việc ấn định cho Bắc Kinh một vai trò nhất định trong quá trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Có thể là vì họ không muốn trao cho Bắc Kinh thêm một đòn bẩy khi mà chính Mỹ và Trung Quốc cũng đang trong quá trình đàm phán để giải quyết cuộc chiến thương mại.

Thêm vào đó, xét trên góc độ lịch sử, Mỹ luôn muốn giảm tầm ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh với Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Á nói chung.

Dam phan hat nhan Trieu Tien anh 3
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Bắc Kinh hồi tháng 1/2019. Ảnh: Reuters.

Mặc dù vậy trong cuộc họp báo tại Hà Nội, ông Trump từng nói: "Trung Quốc đã giúp ích rất nhiều. Chủ tịch Tập là nhà lãnh đạo tuyệt vời... Nhưng ông ấy có thể giúp ích hơn được không? Có thể". Điều này cho thấy có thể Mỹ sẽ cởi mở với khả năng để Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong quá trình đàm phán.

Ông Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan ở Hongkong, cho rằng thế bế tắc hiện tại cho thấy "vai trò gia tăng của Trung Quốc" trong phần tiếp theo của đàm phán Mỹ - Triều.

"Sự thất bại của ông Trump và ông Kim trong việc tạo ra sự tiến triển có thể đã hồi sinh vai trò của Trung Quốc trong tiến trình này", ông Zhang cho biết và nhận định Trung Quốc cũng có những lý do riêng để giúp cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

"Việc cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội không đạt được kết quả chắc chắn khiến Bắc Kinh quan ngại, vì nó có khả năng đưa bán đảo Triều Tiên trở lại thời kỳ căng thẳng và bất ổn", ông Zhang cho biết.

Kết quả là, theo ông Zhang, Trung Quốc đã "tăng cường những nỗ lực để đóng vai trò trung gian, thúc đẩy đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ".

Hội nghị Mỹ - Triều: Ông Kim ‘sốc’ vì Mỹ phát hiện thêm cơ sở hạt nhân

Chuyên gia Trung Quốc đưa ra những phân tích mới giải thích vì sao hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt thỏa thuận: Tổng thống Trump đưa ra những đòi hỏi vào phút cuối.

Người Triều Tiên bất ngờ trở lại văn phòng liên lạc với Hàn Quốc

Sau khi bất ngờ rút khỏi văn phòng liên lạc liên Triều ở thị trấn biên giới Kaesong mà không có lý do, các nhân viên ngoại giao Triều Tiên đã quay trở lại vào ngày 25/3.

Sơn Trần (Theo South China Morning Post)

Bạn có thể quan tâm