Zhang Liangui, giáo sư chiến lược quốc tế ở trường Đảng Trung ương của Trung Quốc, nói rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã bị “sốc” trong hội nghị ngày 27-28/2 khi phía Mỹ đưa ra danh sách các cơ sở hạt nhân bí mật mà Bình Nhưỡng vẫn giấu, theo South China Morning Post.
Theo đó, Mỹ yêu cầu Triều Tiên phá dỡ các cơ sở hạt nhân chưa công bố, bên cạnh các cơ sở làm giàu uranium và plutonium thuộc khu liên hợp hạt nhân Yongbyon.
Trước đó một tháng, ngày 21/1, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) công bố báo cáo về căn cứ tên lửa bí mật Sino Ri, được cho là nơi Triều Tiên cất giữ tên lửa tầm trung Nodong có thể dùng trong một cuộc tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc, theo Guardian.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 27-28/2 ở Hà Nội kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. Ảnh: AP. |
“Những đòi hỏi mới vượt xa những gì mà ông Stephen Biegun đã đưa ra trong một buổi tọa đàm ở Đại học Stanford vào tháng 1”, ông Zhang đánh giá, trong một diễn đàn về Triều Tiên ở Bắc Kinh. Stephen Biegun là đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên.
Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh ngày 25/3 xác nhận ông Biegun sẽ đến đây để “tiếp tục việc điều phối giữa Mỹ - Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên”.
Trong cuộc họp báo sau đàm phán ở Hà Nội chiều 28/2, ông Trump cho biết lý do chủ yếu là Triều Tiên muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt nhưng "chúng ta không thể làm điều đó lúc này".
Theo ông Zhang, bước đi bất ngờ của Washington ở hội nghị Hà Nội đã thay đổi hướng đàm phán, và các cuộc đối thoại trong tương lai sẽ phải giải quyết cả các cơ sở hạt nhân đã công khai lẫn những cơ sở vẫn còn giữ bí mật của Triều Tiên.
“Đàm phán từ bây giờ phải đi vào thẳng vấn đề, và điều này khiến sự phức tạp của việc đàm phán tăng lên rất nhiều”, ông Zhang nói.
Chuyên gia về Triều Tiên cũng lo ngại việc đàm phán bế tắc cũng ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị ở đất nước này. “Triều Tiên sẽ đối mặt với một năm bất trắc và trở nên bất ổn - một phần vì các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc”, ông nói thêm.