Trong một tài liệu chính thức dựa trên cuộc điều tra, Tòa Thượng thẩm Tây Ban Nha chuyên về tội phạm có tổ chức hôm 26/3 cho biết một thành viên trong nhóm đột nhập, là công dân Mexico sống tại Mỹ, đã liên lạc với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm 27/2.
Công dân Mexico có tên Adrian Hong Chang dẫn đầu nhóm đột nhập gồm 10 người. Người này đã liên lạc với với FBI để chuyển thông tin liên quan đến vụ việc, bao gồm băng ghi âm ghi hình, theo Reuters.
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha trước đó cho hay cảnh sát đang điều tra vụ việc xảy ra tại Đại sứ quán Triều Tiên. Họ không cung cấp thêm chi tiết ngoài thông tin rằng một công dân Triều Tiên bị thương và không ai đệ đơn khiếu nại.
Nhóm đột nhập gồm các công dân Mexico, một công dân Mỹ và các công dân Hàn Quốc, theo tài liệu của tòa án Tây Ban Nha. Họ nói họ là thành viên của một nhóm nhân quyền và đã cố thuyết phục một viên chức tại sứ quán bỏ trốn. Họ trói các nhân viên sứ quán trong vài giờ.
Báo Washington Post trước đó nói một nhóm có tên là Cheollima Civil Defense đã tiến hành vụ tấn công.
Phía trước Đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: El Pais. |
Một nguồn tin trong ngành tư pháp Tây Ban Nha cho biết thẩm phán phụ trách vụ điều tra tin rằng tất cả nghi phạm được xác định đều đã đến Mỹ và dự định đề nghị dẫn độ họ sang Tây Ban Nha, theo Reuters. Họ có thể đối mặt với án tù lên đến 28 năm nếu bị tuyên có tội.
Tài liệu của tòa án Tây Ban Nha cung cấp chi tiết về hành động của nhóm đột nhập trước cũng như trong quá trình tiến hành vụ việc, bao gồm việc họ lưu trú tại một khách sạn và mua dao, mặt nạ trùm đầu và cổ, và súng giả.
Hong Chang cho biết anh ta đã tự nguyện tham gia vụ tấn công và không nói ra danh tính những người cùng hành động.
Nhóm này đã kiểm tra xem sứ quán có vũ khí hay không trước khi chia làm 4 nhóm rời khỏi nơi này, lên đường đến Bồ Đào Nha. Công dân Mexico sau đó bay từ Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, đến New York.
Tại Tây Ban Nha, Tòa Thượng thẩm có thẩm quyền điều tra các vụ hình sự, sau đó cáo buộc chính thức sẽ được đưa ra.