Một quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sẵn sàng nới lỏng trừng phạt với Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Hà Nội nhưng cuối cùng ý định đó không thành vì sự can thiệp của hai trợ lý hàng đầu.
Yonhap trích lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Bình Nhưỡng hôm 15/3. Trong cuộc họp báo này, bà Choe đã đưa ra đe dọa từ bỏ đàm phán hạt nhân với Mỹ, điều đã được báo chí quốc tế tường thuật rộng rãi.
Hãng thông tấn Hàn Quốc có được bản sao lời phát biểu mở đầu của bà Choe. Theo văn bản này, bà Choe nói ông Trump tỏ ra "linh động" trong việc đạt được thỏa thuận với Triều Tiên tại hội nghị diễn ra trong hai ngày 27-28/2 ở Hà Nội. Hội nghị cuối cùng đã kết thúc với việc tổng thống Mỹ bỏ về sớm và không có thỏa thuận nào được thông qua.
Bà Choe Son Hui (giữa) trong cuộc họp báo tại Bình Nhưỡng hôm 15/3. Ảnh: AP. |
"Khi chúng tôi đưa ra một đề nghị mang tính thực tế, Tổng thống Trump thể hiện quan điểm rất linh động rằng thỏa thuận có thể được thông qua nếu nó nêu rõ việc dỡ bỏ cấm vận có thể bị đảo ngược nếu Triều Tiên khôi phục các hoạt động hạt nhân", bà Choe nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên tiếp tục nói rằng hai bên đã không đạt được một "kết quả có ý nghĩa" vì Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton "đã cản trở các nỗ lực đàm phán mang tính xây dựng của hai nhà lãnh đạo bằng thái độ thù địch và ngờ vực".
Phát biểu của bà Choe về ông Pompeo và ông Bolton đã được truyền đi trước đó và cả hai quan chức Mỹ đều bác bỏ những cáo buộc này.
Theo Yonhap, nếu thực sự ông Trump đã "linh động" như vậy, điều này có thể giải thích cho quyết định tuần trước của ông về việc ra lệnh hủy bỏ các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Triều Tiên.
Tuyên bố được ông Trump đưa ra trên Twitter sau khi Bộ Tài chính Mỹ quyết định trừng phạt hai công ty vận chuyển tàu biển của Trung Quốc bị cáo buộc giúp đỡ Bình Nhưỡng lách các lệnh cấm vận.
Thứ trưởng Choe cũng nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã nỗ lực đàm phán với Mỹ bất chấp "nhiều sự phản đối và thách thức" từ trong nước.
"Người dân, và đặc biệt là quân đội và ngành vũ khí của chúng tôi, đã gửi hàng nghìn đơn thư kiến nghị đến đồng chí Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, kêu gọi không được từ bỏ (chương trình) hạt nhân bằng bất cứ giá nào", bà nói.