Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Con đường nào cho báo chí tồn tại trong thời đại công nghệ?

Tin giả là cơ hội để thiết lập lại giá trị của các thương hiệu báo chí chính thống. Dựa vào bạn đọc là cách lâu dài, ổn định và bền vững nhất để tờ báo phát triển.

mang xa hoi tin gia anh 1

Con đường nào cho báo chí tồn tại trong thời đại công nghệ?

Tin tức giả là cơ hội để thiết lập lại giá trị của các thương hiệu báo chí chính thống và tập trung vào chất lượng. Dựa vào bạn đọc là cách lâu dài, ổn định và bền vững nhất để tờ báo phát triển.

mang xa hoi tin gia anh 2

mang xa hoi tin gia anh 3

Nic Newman

Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, Đại học Oxford   

Nic Newman là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, Đại học Oxford, nghiên cứu về xu hướng báo chí trong thời đại số. Ông Newman là thành viên sáng lập của trang BBC News và là tác giả chính của Báo cáo tin tức kỹ thuật số hàng năm của Viện Reuters.

Mới chỉ một vài thập kỷ trước, báo chí vẫn là nguồn thông tin đáng tin cậy với giá thành phải chăng. Độc giả đã từng không ngần ngại bỏ ra số tiền bằng cả bữa ăn sáng của mình để hàng ngày mua ấn phẩm báo in.

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi trong gần một thập kỷ trở lại đây.

Báo chí, chủ nghĩa dân tuý và mạng xã hội

Trên toàn thế giới, sự tin tưởng vào báo chí đang ở mức thấp chưa từng có. Điều này thấy rõ nhất ở việc các chính trị gia dân túy như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đều gay gắt cáo buộc các phương tiện truyền thông lừa dối người đọc bằng “tin tức giả”.

Và cũng không ít lần những thông tin mà truyền thông chính thống đưa ra bị độc giả phát hiện là bịa đặt hoặc bóp méo sự thật. Trong khi đó, nhà báo luôn phải đối mặt với không ít hiểm nguy trong quá trình tác nghiệp.

Báo chí hiện nay một mặt đang đánh mất niềm tin nơi độc giả, mặt khác đang loay hoay tìm kiếm phương thức kinh doanh mới trước sự phát triển của công nghệ.

Cùng lúc, các nền tảng công nghệ ngày càng phát triển; quảng cáo online càng nhiều và mạng xã hội nổi lên như là một phương thức tiếp cận thông tin mới.

Báo chí hiện nay một mặt đang đánh mất niềm tin nơi độc giả, mặt khác đang loay hoay tìm kiếm phương thức kinh doanh mới trước sự phát triển của công nghệ.

Con đường nào cho báo chí tồn tại trong thời đại công nghệ như hiện nay?

Ít nhất trong 8 năm trở lại đây, những nghiên cứu của Viện Reuters (trực thuộc Đại học Oxford) về xu hướng tin tức kỹ thuật số mà tôi tham gia đều chỉ ra rằng độc giả, đặc biệt là những người trẻ tuổi từ 18-35, chủ yếu sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter để cập nhật tin tức.

Việc “đọc báo” bằng mạng xã hội mang lại “lợi đơn, lợi kép”: thông tin đa dạng, cập nhật nhanh, độ lan truyền tin tức rộng và gần như là miễn phí.

Facebook Instant là một ví dụ. Tính năng này cho phép người dùng đọc đầy đủ nội dung các bài báo ngay trên News Feed của mình mà không cần mở trình duyệt web. Trung bình, người sử dụng Facebook chỉ tốn chưa đến 1 giây cho việc chờ mở một bản tin, nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ trước đây.

Thế nhưng, chính việc coi mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin lại trở thành rủi ro cho báo chí chính thống. Trên Facebook hay Twitter, ai cũng có thể là người đưa tin. Lằn ranh tin giả - tin thật, báo chí chính thống - báo lá cải trở nên mờ nhạt.

Giá trị của các trang báo mà phóng viên phải lăn lộn, thậm chí mạo hiểm bằng chính mạng sống của mình để gây dựng trở nên không mấy quan trọng bởi người dùng mạng chẳng mảy may để tâm đến nguồn tin mà họ đang tiếp thu đến từ nguồn nào.

Giá trị của các trang báo mà phóng viên phải lăn lộn, thậm chí mạo hiểm bằng chính mạng sống của mình để gây dựng trở nên không mấy quan trọng bởi người dùng mạng chẳng mảy may để tâm đến nguồn tin mà họ đang tiếp thu đến từ nguồn nào.

Nói cách khác, mạng xã hội là môi trường lý tưởng để tin giả nảy nở sinh sôi và cũng là nơi làm suy yếu niềm tin của độc giả vào báo chí.

Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, từ phủ nhận lúc ban đầu thì giờ cũng đã phải thừa nhận vấn nạn tin tức giả trên mạng xã hội. Zuckerberg giờ lại quả quyết: "Chúng tôi đã tìm cách khắc phục trong một thời gian dài".

Trong nghiên cứu năm 2017 của chúng tôi, gần 1/4 độc giả nói rằng họ tin tưởng vào tin tức trên mạng xã hội, và cũng chừng ấy người trên 36 quốc gia trả lời rằng họ chẳng thể phân biệt được những nội dung đang đọc trên mạng là sự thật hay điều viễn tưởng mà tài khoản mạng khác đang lan truyền.

Tin giả là mối nguy, nhưng cũng là cơ hội cho báo chí

Mạng xã hội là nơi lan truyền tin giả nhưng không phải tất cả tin giả đều bắt nguồn từ đây.

Ngoài các công ty công nghệ như Facebook hay Google phát tán quảng cáo, thông tin sai sự thật, chính các cơ quan truyền thông là những người phải chịu trách nhiệm cho vấn đề tin giả đầu tiên. Trong nghiên cứu của Viện Reuters thực hiện năm nay, có đến 3/4 số người được hỏi đồng tình với điều này.

Đồng thời, chúng tôi còn phát hiện ra, nghiệp vụ báo chí kém góp phần không nhỏ vào việc tạo nên tin giả. Phóng viên/ biên tập viên đôi khi chèn thêm một số thông tin gây nhiễu khiến độc giả đọc hiểu sai, hiểu nhầm nhằm thao túng, ngầm phục vụ cho mục đích chính trị hoặc kinh tế nào đó. Một số bản tin “nhử” người đọc click với tiêu đề giật gân.

Quảng cáo vẫn đóng vai trò là một trong những nguồn doanh thu quan trọng của báo chí. Một vài trường hợp, vì xung đột với lợi ích của doanh nghiệp đặt quảng cáo, nội dung báo chí mất đi tính khách quan vốn có.

Có những bài báo dù là tin quảng cáo nhưng tiêu đề lại không dán mác và được trộn lẫn với tin bình thường. Những tin quảng cáo trá hình đó cũng được coi là tin giả.

Công bằng mà nói, tin tức giả là cơ hội để thiết lập lại giá trị của các thương hiệu báo chí chính thống và tập trung vào chất lượng.

Với cách khơi dậy sự trung thành từ phía độc giả cũng như thúc đẩy báo chí chất lượng, khách quan, một ngày nào đó - gần thôi - báo chí sẽ trở lại thời huy hoàng như xưa.

Câu hỏi được đặt ra ở đây: Với cách kinh doanh truyền thống không còn phù hợp trong thời đại công nghệ như hiện nay, dưới áp lực về doanh thu, báo chí chất lượng liệu có thể được duy trì? Nếu chỉ dựa vào từ nguồn thu quảng cáo thì báo chí có còn khách quan hay không hay sẽ sa đà vào tin giả?

Theo tôi, không sớm thì muộn, quảng cáo cũng sẽ biến mất. Sau một thời gian chìm đắm trong mạng xã hội, tôi đã bắt đầu thấy kỹ năng đọc hiểu tin tức, kiểm chứng thông tin ngày càng tăng từ phía độc giả. Họ không còn nhào theo những cuộc cãi vã vô bổ về chính sách kinh tế hay một vấn đề chính trị trên Facebook nhiều nữa.

Dựa vào bạn đọc là cách lâu dài, ổn định và bền vững nhất để tờ báo phát triển. Ví dụ như thuyết phục bạn đọc đăng ký thành viên - đây là phương thức được sử dụng rộng rãi nhất, được áp dụng bởi New York Times hay Washington Post; mua báo dài kỳ, quyên góp/ủng hộ như cách BuzzFeed (Mỹ) hay The Guardian (Anh) đang làm; hoặc trả tiền cho từng bài viết, ví dụ như The Straits Times (Singapore).

Trước việc thông tin trên mạng thừa mứa và tràn lan, các tòa soạn cần phải tập trung xây dựng những bài báo có giá trị và có tầm ảnh hưởng, như vậy mới đủ sức thuyết phục bạn đọc bỏ tiền.

Đương nhiên những giải pháp hay những lời hứa hẹn về chất lượng báo chí này không thể thay đổi viễn cảnh về báo chí qua một đêm nhưng cũng là một cái nhìn để phá vỡ cái vòng lòng luẩn quẩn xung quanh báo chí - quảng cáo - tin giả - niềm tin.

Nhưng tôi tin với cách khơi dậy sự trung thành từ phía độc giả cũng như thúc đẩy báo chí chất lượng, khách quan, một ngày nào đó - gần thôi - báo chí sẽ trở lại thời huy hoàng như xưa.

mang xa hoi tin gia anh 4

#VOICES là chuyên mục mới của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.

Nic Newman

Illustration: Phượng Nguyễn - Biên dịch: Hà Phương

Bạn có thể quan tâm