Hai năm sau khi thành lập, Intel cho ra mắt sản phẩm đầu tiên, một con chip được gọi là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động, hay còn gọi là DRAM. Trước thập niên 1970, nhìn chung các máy vi tính "ghi nhớ" dữ liệu không sử dụng chip silicon mà sử dụng một thiết bị gọi là lõi từ, tức là một ma trận gồm các vòng kim loại nhỏ được xâu lại với nhau bằng một mạng lưới dây dẫn.
Khi một vòng được từ hóa, nó sẽ lưu trữ một số 1 cho máy vi tính; vòng không nhiễm từ là 0. Một rừng dây nối các vòng với nhau có thể bật tắt từ tính của mỗi vòng và có thể "đọc" xem một vòng cụ thể là số 1 hay số 0.
Tuy nhiên, nhu cầu ghi nhớ các số 1 và 0 ngày càng lớn, những hệ thống dây cũng như các vòng kim loại này chỉ có thể thu nhỏ lại đến mức giới hạn. Nếu các linh kiện nhỏ hơn, thì người lắp ráp, vốn phải đan chúng lại với nhau một cách thủ công, sẽ không thể thực hiện được.
Khi nhu cầu về bộ nhớ máy tính bùng nổ, công nghệ lõi từ không thể theo kịp.
Gordon Moore, người sáng lập Tập đoàn Intel. Ảnh: NYT. |
Vào thập niên 1960, các kỹ sư như Robert Dennard của IBM bắt đầu hình dung ra các mạch tích hợp có thể "ghi nhớ" hiệu quả hơn các vòng kim loại nhỏ. Mái tóc đen dài chờm quá tai, được cắt uốn hơi vểnh ra ngoài của Dennard mang lại cho ông vẻ ngoài của một thiên tài lập dị.
Ông đề xuất ghép một bóng bán dẫn cực nhỏ với một tụ điện, một thiết bị lưu trữ thu nhỏ có thể nạp điện (1) hoặc không nạp (0). Các tụ điện rò điện theo thời gian, vì vậy Dennard đã nghĩ tới chuyện sạc điện nhiều lần cho tụ điện thông qua bóng bán dẫn. Con chip sẽ được gọi là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (do sạc điện liên tục), hoặc DRAM. Những con chip này tạo thành lõi của bộ nhớ máy tính cho đến ngày nay.
Một chip DRAM hoạt động giống như những bộ nhớ lõi từ cũ, lần lượt lưu giữ các số 1 và 0 với sự trợ giúp của dòng điện. Nhưng thay vì dựa vào hệ thống dây và các vòng kim loại, các mạch DRAM được khắc vào silicon. Chúng không cần phải được kết nối thủ công, vì vậy ít gặp trục trặc hơn và có thể được thu nhỏ hơn rất nhiều. Noyce và Moore đã cược rằng công ty mới của họ, Intel, có thể ứng dụng chuyên môn của Dennard và khắc mạch lên một con chip với mật độ dày hơn rất nhiều so với lượng tối đa của một lõi từ.
Chỉ cần nhìn thoáng qua biểu đồ của Định luật Moore cũng có thể thấy rằng chừng nào thung lũng Silicon còn có thể tiếp tục thu nhỏ các bóng bán dẫn, thì chip DRAM sẽ còn thống trị lĩnh vực kinh doanh bộ nhớ máy vi tính.
Intel đã lên kế hoạch thống trị mảng kinh doanh chip DRAM. Các con chip nhớ không cần phải chuyên biệt, vì vậy những con chip giống nhau có thể được sử dụng trong nhiều loại thiết bị khác nhau. Điều này cho phép chúng được sản xuất với số lượng lớn. Ngược lại, loại chip chính khác - những con chip có nhiệm vụ "tính toán" chứ không phải "ghi nhớ" - được thiết kế đặc biệt cho từng thiết bị, bởi mỗi vấn đề tính toán sẽ rất khác.
Ví dụ, máy tính bỏ túi hoạt động khác với máy vi tính dẫn đường của tên lửa, vì vậy cho đến tập niên 1970, họ vẫn sử dụng các loại chip logic khác nhau. Sự chuyên môn hóa này làm tăng chi phí, vì vậy Intel quyết định tập trung vào chip nhớ, sản phẩm có thể sản xuất hàng loạt và do đó tạo ra tính kinh tế nhờ quy mô.