Mấy mươi năm trước, sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, anh sang nước Nga học tập và rồi ở lại sinh sống lập nghiệp bên đó. Hàng chục năm sau, anh mới có dịp trở về Việt Nam, nhưng toàn về vào dịp tết Nguyên đán dân tộc.
Lần này là lần duy nhất anh trở về vào dịp đầu mùa hạ, nhân ngày giỗ của bà nội. Điều gì đã khiến anh ngạc nhiên nhất trong chuyến trở về này? Đó là, một sáng trở dậy trên dãy phố Cửa Đông xưa cũ, anh bỗng nghe tiếng rao: “Cốm ơ! Ai mua cốm nào! Ai mua cốm đi!”.
Thoạt đầu, anh không tin vào tai mình, tưởng như đang nằm mơ. Sao tự nhiên lại có tiếng rao cốm vào chập đầu mùa hạ này? Hay là Hà Nội bây giờ người ta rao bán cả cốm khô trên phố, thứ cốm mà trong những năm ở nước Nga, anh vẫn được bà mẹ gửi cho mỗi dịp giữa thu.
Lơ mơ trong buổi sáng tinh mơ của mùa hè Hà Nội, cành bàng non đu đưa ngoài cửa sổ xòe những tay lá xanh biếc và những chùm hoa trắng ngà màu gạo nếp, gợi cho anh bao hồi ức của một thời xa. Ngày ấy, Hà Nội của anh còn êm đềm lắm, không đông đúc, nhộn nhịp như bây giờ. Cứ vào mùa là cây bàng trước hè cho quả chín…
Tuổi thơ của anh đã trải qua bao mùa bàng như thế, anh không còn nhớ nữa. Thế mà có lúc, nơi phương trời xa xôi, anh lần giở lại những trang ký ức tuổi thơ và đếm chúng bằng những mùa bàng chín, trong thơm lựng hương cốm mới đầu mùa, trong tiếng xôn xao của ngày tựu trường năm học mới.
Hương cốm non quyện trong hương lá sen già, gợi một phong vị không thể diễn tả nổi. Ảnh: local-insider. |
Anh vẫn còn nhớ, ngày ấy Hà Nội còn nghèo, đất nước lại chuẩn bị bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nhà anh cũng chỉ là một gia đình bình dân của Hà Nội. Và cốm hãy còn là một món quà đắt tiền không dễ có vào những ngày thường, ngoại trừ dịp rằm Trung thu hay ngày mồng một đầu tháng Chín âm lịch.
Sau khi thắp hương trên ban thờ, mẹ anh mới cẩn thận đem đĩa cốm non lót lá sen già xuống bàn nước và chia cho các con mỗi đứa một dúm nhỏ. Mẹ gọi là ăn lấy thơm lấy thảo, ăn cốm, ai người ta ăn lấy no lấy béo đâu.
Trong cái nắng hanh vàng mật ong, trong hơi gió heo may sẽ sàng thổi trên mặt phố, hương cốm non quyện trong hương lá sen già, gợi một phong vị không thể diễn tả nổi. Chỉ đến khi sống lâu ở nước ngoài, mỗi khi trời Nga đổ những cơn lá đỏ trong nắng gió xạc xào, anh mới lại bồi hồi nhớ hương cốm quê nhà, nhớ hương vị đích thực của Hà Nội mùa thu.
Mỗi dịp như thế, mẹ không chờ anh nhắc nhở, đều tìm cách gửi cho con một gói cốm Vòng do tự tay bà sấy cách thủy đến khô giòn. Phải là sấy cách thủy, chứ nếu đem phơi nắng, cốm sẽ khét. Mỗi dịp nhận được quà, người vợ Nga của anh lại theo lời chồng, nấu một nồi chè cốm thật ngọt để mời ông bà nhạc và mấy người bạn Nga đến uống trà thưởng thức chút hương vị Việt Nam, quê hương anh.
Nghĩ đến đó, anh chợt bật cười. Bởi vì cô vợ người Nga của anh chỉ quen nấu có mỗi món chè cốm, còn món cốm xào, dù anh có hướng dẫn mấy lần theo lời mẹ dặn, cô cũng đều làm hỏng, khi thì khô cứng, khi thì nhão nhoẹt.
Khi viết thư kể chuyện này với mẹ, bà đã trả lời cậu con trai yêu với một giọng đầy bao dung, song cũng lộ vẻ kiêu hãnh kín đáo của một người Hà Nội gốc: “Con ạ, ngay cả nhiều người con gái Hà Nội cũng không dễ xào được một mẻ cốm xứng ý từ cốm Vòng tươi, huống chi vợ con, con gái Nga, mà lại bắt đầu từ cốm khô. Nơi phương trời xa xôi ấy, con hãy lấy thế làm vui lòng”.
Ôi, tất nhiên là không chỉ lấy làm vui lòng, mà ông bà nhạc của anh cùng những người bạn Nga bao giờ cũng tỏ ra thích thú và khen ngợi món chè với hương thơm sữa lúa đặc biệt độc đáo ấy.
Trong niềm vui bên bàn trà mùa thu nước Nga, đôi lúc anh cũng cảm thấy chút bâng khuâng ẩn hiện trong làn khói trà mỏng mảnh, là hình ảnh một cô gái có bím tóc đuôi sam thả nắng sau lưng, mắt đen lóng lánh như ánh nước hồ thu, ngày nào đã cùng anh khép mở, trốn tìm một gói cốm lá sen trong đôi bàn tay búp măng trắng nõn…
Bỗng đâu, anh chợt nghe tiếng chân khe khẽ của đứa cháu gái nhỏ lên thang gác, những bậc thang gỗ lâu ngày rung lên một điệu nhạc âu sầu xiết bao thương mến. Thì ra bà mẹ anh sai cháu lên gọi anh dậy ăn sáng.
Trên chiếc bàn nước cũ kỹ bằng gỗ gụ đen bóng, mẹ anh đã để sẵn chiếc đĩa nhỏ đựng một gói cốm xanh non, thơm phức. Chỉ có điều khác xưa, thay vì lá sen già là chiếc lá sen non đầu mùa hạ, tròn xoe óng ánh màu kim nhũ. Và hình như còn thiêu thiếu một món gì đó. Anh chợt hiểu, giá mà có mấy quả chuối tiêu trứng cuốc rực vàng…
Mẹ anh như đoán được ý con trai. Bà mỉm cười:
- Hàng chục năm rồi, Hà Nội đã có lại món cốm chiêm. Đó cũng là nhờ có giống nếp hoa vàng mấy ông khoa học nông nghiệp nghiên cứu cấy sang được vụ xuân. Chứ nếp chiêm ngày xưa nhỏ hạt, cứng mình và kém thơm, làm sao cho được cốm ngon như cốm mùa chính vụ. Nhưng nói sao thì nói, cốm chiêm bây giờ so với cốm mùa, mười phần cũng chỉ được đến tám thôi. Mẹ chỉ mua một chút cho con ăn đỡ nhớ.
Mẹ vừa nói, vừa chậm rãi mở hộp chè sen, bỏ một dúm vào chiếc ấm chuyên cũ, anh cũng nhẹ nhàng bốc một dúm cốm non, ngả đầu ra sau, thong thả thưởng thức từ từ từng hạt cốm ngọt thơm mùi sữa nếp ngậm đầy hương nắng đầu mùa hạ xứ bắc thân thương.