Nếu nói sách là một người bạn lớn thì Cội rễ là người bạn tuyệt vời của mình. Đọc Cội rễ lần đầu từ những năm cấp 3 ở thư viện tỉnh. Lên đại học, tình cờ gặp lại tại quán sách trước cổng ký túc xá Tân Phú tôi đã quyết định năn nỉ cô chủ và chấp nhận mua lại với giá cao vì biết không thể rời xa "anh bạn" này. Từ đó, chúng tôi luôn có nhau, dù tôi đi đâu, về quê rồi lên Đà Lạt hay chuyển nhà bao nhiêu bận thì luôn có bạn bên tôi.
"Người bạn" trang trọng trên giá sách
Nhớ cái ngày, nhà trọ ngập nước sau một đêm, điều tôi lo lắng nhất là bạn có bị ướt không trong rất nhiều sách, tài liệu trôi lềnh bềnh. Sau lần đó, bạn luôn có một vị trí trang trọng nhất trong giá sách của tôi dù bạn cũ kỹ, đen đúa như thế nào thì với tôi - bạn luôn có vị trí quan trọng nhất.
Cội rễ là câu chuyện về anh chàng Kunta Kintê ở Gambia thuộc xứ châu Phi huyền bí. Những trang viết của A. Haley qua chuyển ngữ tài hoa của dịch giả Dương Tường về giai đoạn anh chàng còn ở quê nhà hiện lên một cách sống động đã gợi lên rất nhiều điều mới mẻ cho một cậu trai mới lớn là tôi.
Những khung cảnh hùng vĩ, những phong tục rất lạ của làng Jufurê mà Kunta và chúng bạn đã dẫn chúng ta cùng khám phá thông qua những chuyến đi săn, những công việc hàng ngày phụ giúp người lớn trong làng. Tôi nhớ mãi cảnh Kunta “giả đò” như không quan tâm gì nhưng bên trong là một niềm tự hào lớn lao khi được... mặc quần áo - dấu hiệu cho thấy anh chàng đã trở thành người lớn.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, những tuần trăng đẹp đẽ, yên bình đã kết thúc khi Kunta bị bọn tubốp (da trắng) bắt cóc vào thời điểm anh được 17 vụ mưa và anh cũng không ngờ rằng từ đó anh không bao giờ còn trở lại được quê nhà. Anh trở thành một người “không vợ, không gia đình, không làng bản, không nhân dân, không tổ quốc” trên một đất nước xa xôi.
Nhưng, cuộc sống thì phải tranh đấu, nó không có chỗ cho những ủ dột mà phải biết giấu muộn phiền đi để tồn tại. Kunta không có nhiều thì giờ để nghĩ về tương lai khi anh có thể bị ông chủ bán đi bất cứ lúc nào trong một bối cảnh mà phân biệt chủng tộc, sự bất bình đẳng giữa người có màu da như anh và người da trắng là phổ biến - họ gọi những người như anh là bọn “nhọ”.
Cuộc sống có ý nghĩa hơn và đáng sống hơn khi Kunta quyết định kết hôn với chị Bel - một người phụ nữ đảm đang và sâu sắc nhưng cũng có một quá khứ bi thương mà anh đã quen biết từ rất lâu. Để Kunta tỏ tình là một việc không hề dễ dàng và những chương sách kể về chuyện này cũng vô cùng thú vị.
Câu chuyện tìm về nguồn cội của một dòng họ
Dòng máu châu Phi, văn hóa châu Phi luôn chảy tràn trong người Kunta và anh luôn giữ nó tối đa có thể. Anh đã dũng cảm đặt tên cho con gái của mình là Kitzi theo tiếng của nguồn cội của anh là “ở nguyên đó” như một ước vọng về việc ổn định và không rời xa gia đình, bản quán như anh. Nhưng rồi điều đó không bao giờ xảy ra khi Kitzi… bị bán và mang thai - những trang sách buồn bã về chuyện này thực sự ám ánh người đọc về thân phận của người nô lệ.
Joóc gà là một đứa trẻ lai da trắng thông minh, lanh lợi và có biệt tài nuôi gà rất giỏi - thế hệ thứ ba của nhà Kunta ra đời trong tình thương vô bờ bến của mẹ và những người hàng xóm như bác Pombi và cô Malizi. Những chương về Joóc gà đã mang màu sắc tươi vui và không buồn thảm như cuộc đời của mẹ hắn.
May mắn hơn mẹ, Joóc gà cưới được người mình thương và thế là hậu duệ đời tiếp theo của Kunta đã xuất hiện không những một mà tới 4 cậu nhóc.
Joóc gà rời gia đình để sang Anh cho giấc mơ gà chọi mà không biết rằng gia đình anh lại bị ông chủ bán đi và phải đi tới một đồn điền mới mà ở đó Tôm, con trai anh, được vợ anh giao làm chủ gia đình như là một tiếp nối.
Ngày Joóc gà trở về với gia đình và gặp cháu của mình lần đầu tiên được mô tả vô cùng xúc động và tích cực. Chính điều này đã làm tôi tiếp tục đọc và đọc đi đọc lại về câu chuyện của hậu duệ Kunta. Một kết thúc có hậu khi mà hậu duệ của anh từ vị thế người nô lệ đã trở thành chủ “cơ sở kinh doanh đầu tiên do người da đen làm chủ ở miền Tây Tennexi, nơi mà Xinthiơ đã treo những tấm rèm đăngten hồ bột ở cửa sổ và Uyl đã sơn tấm biển trước cửa nhà: "CÔNG TY GỖ UYL E. PALMƠ"”.
Tác giả của tác phẩm nổi tiếng này cũng chính là hậu duệ bảy đời của Kunta, kể lại câu chuyện gia tộc bằng lối viết hồi tưởng và theo lịch sử gia phả. Tác giả đã dựng lại cho người đọc câu chuyện của một dòng họ có nguồn cội Phi châu trên đất Mỹ mà song hành với câu chuyện này chính là những sự kiện lịch sử về nước Mỹ, những cuộc nội chiến gắn liền với nó là số phận của những người nô lệ da đen - những người dũng cảm và không quên nguồn cội của mình.
Cuốn sách với những nhân vật như Kunta, Joóc gà và Tôm như là những người bạn lớn của bản thân tôi. Những người bạn này thật sự ảnh hưởng nhiều đến lối suy nghĩ và cả những sở thích của tôi nữa. Nếu được chọn quyển sách nào đã ảnh hưởng lớn nhất thì Cội rễ sẽ được tôi kể đầu tiên.
Bài viết của TS Lê Anh Vũ, Chương trình Công tác xã hội - Khoa Sư phạm, Đại học Thủ Dầu Một.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Hành trình tìm ra cái nôi của loài người
Louis và Mary Leakey đã có những đóng góp quan trọng cho ngành khảo cổ học. Nhờ họ, cả thế giới biết rằng châu Phi mới là cái nôi của loài người.
Thông qua cuốn sách "Châu Phi nghìn trùng", Isak Dinesen đã tái hiện một châu Phi (vùng đất bà đắm trong nó suốt 18 năm ròng) đầy bí ẩn và quyến rũ.
Ấn phẩm ‘Truyện Kiều’ dát vàng được trưng bày
Từ ngày 17 đến 19/1, hơn 100 ấn bản sách sưu tầm đã được Đông A Books trưng bày tại trụ sở Nhà xuất bản Hội Nhà văn nhân dịp kỷ niệm 20 năm ra mắt dòng sách S100.