Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lục địa đen bí ẩn và quyến rũ

Thông qua cuốn sách "Châu Phi nghìn trùng", Isak Dinesen đã tái hiện một châu Phi (vùng đất bà đắm trong nó suốt 18 năm ròng) đầy bí ẩn và quyến rũ.

Người đọc Việt Nam biết đến châu Phi qua văn chương không nhiều. Các tiểu thuyết Giữa lòng đêm tối của Joseph Conrad, Rễ trời của Romain Gary, Nửa mặt trời vàng của Chimamanda Ngozi Adichie, một số truyện ngắn của Ernest Hemingway, tập bút ký Gỗ mun của Ryszard Kapuscinski... Như thế là quá ít để hiểu về châu Phi - “Một châu lục quá lớn để có thể miêu tả nó" - như nhà văn Ba Lan Ryszard Kapuscinski từng nhận định.

Tuy nhiên cái khoảng trống ấy đang được lấp dần. Mà cú lấp đáng kể nhất, gần đây, là sự xuất hiện cuốn hồi ức Châu Phi nghìn trùng (Out of Africa) của nữ nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen (Hà Thế Giang dịch, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam).

Chau Phi nghin trung anh 1

Sách Châu Phi nghìn trùng. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Lấp đầy khoảng trống về dòng văn học châu Phi

Isak Dinesen, tên thật là Karen Blixen (1885 - 1962), cùng chồng sang châu Phi năm 1913, mua một đồn điền dưới chân rặng Ngong thuộc Kenya để sản xuất cà phê hạt. Năm 1931, sau liên tiếp thất bại trong kinh doanh nông nghiệp tại châu Phi, bà phải bán đồn điền để trở về châu Âu.

Năm 1935, trong sáu tháng, bà bắt tay vào viết và hoàn thành bản thảo Châu Phi nghìn trùng bằng tiếng Anh. Năm 1937, sách xuất bản lần đầu tiên và nhanh chóng được tái bản nhiều lần, được dịch sang nhiều ngôn ngữ, đưa tên tuổi Isak Dinesen vào hàng các tác giả cổ điển của văn chương Đan Mạch.

Châu Phi nghìn trùng, có thể nói, là sự tái hiện bằng trí nhớ về một châu Phi bí ẩn và đầy quyến rũ mà Karen Blixen đã đắm trong nó suốt 18 năm ròng, không phải với tư cách một thực dân châu Âu kênh kiệu trên xứ thuộc địa, mà là một dân nhập cư da trắng đến lục địa đen để lao động và kiếm sống như mọi con người bình thường khác.

Bỏ qua nỗi vất vả của cuộc mưu sinh, bà say mê với cảnh sắc mênh mông và đầy huyền diệu của châu Phi: bình minh, hoàng hôn và đêm tối; bầu trời và mặt đất; những rặng núi và những cánh rừng; đồng cỏ và những buổi trưa mà không khí ngùn ngụt tạo nên vô vàn ảo tượng; rồi những đàn voi, trâu rừng, chó rừng, ngựa vằn, linh dương, nhất là sư tử, con vật biểu tượng cho sức mạnh của châu Phi.

Nhưng còn hơn cả cảnh sắc, Karen Blixen say mê con người sống trên đất châu Phi - cả những bộ tộc bản địa và các sắc dân khác, như Arab hay Ấn Độ - cùng những nét đặc sắc, đa dạng trong văn hóa của họ.

Khác với các tác giả Âu Mỹ - cho dẫu nhân văn đến mấy thì cũng chỉ xem dân châu Phi thuộc địa như đối tượng của sự thương xót, những chủng tộc thấp kém cần được gượng tay bóc lột và cần được ánh sáng văn minh khai hóa - Karen Blixen trân trọng con người châu Phi, bà nhận thấy ở họ sự cao quý, nhận thấy ở văn hóa của họ những giá trị “khác”, vừa phổ quát vừa đặc dị, và không hề thua sút các giá trị phương Tây.

Chau Phi nghin trung anh 2
Ảnh trong phim chuyển thể Out Of Africa. Ảnh: Britannica.

Thiên hồi ức cảm động

Viết về người châu Phi, dù đó là một thủ lĩnh quyền uy hay chỉ là những người làm công tầm thường trong đồn điền của mình, tác giả đều đặt họ ở vị thế đồng đẳng, vị thế của những người bạn. Ví như, ở phần II của tác phẩm, chương Một thủ lĩnh Kikuyu, kể chuyện Kinanjui, vị thủ lĩnh tối cao cai quản hơn một trăm nghìn dân Kikuyu, Karen Blixen đã dùng một giọng văn vừa trang trọng vừa thân mật để khắc họa nhân vật này.

Trang trọng, bởi sức mạnh tinh thần, uy vọng, tính biểu tượng quyền lực mà Kinanjui đã tạo ra trên cộng đồng của mình, tạo ra trên chính cảm quan của một người phương Tây như bà. Thân mật, bởi với tư cách một chủ đồn điền, Karen Blixen được tiếp xúc gần với biểu tượng quyền lực ấy, được suồng sã hóa nhân vật và phát hiện ra, bằng con mắt duy lý châu Âu, những nét “nghịch” vừa tức cười vừa đáng yêu của vị “hoàng đế đen”.

Nhưng trên hết, là niềm tự hào của bà khi được làm bạn với Kinanjui. Điều đó thể hiện trên văn tự ghi nhận thỏa thuận đền bù giải quyết một vụ tai nạn súng săn ở đồn điền: sau dấu tay của thủ lĩnh Kinanjui là dòng chữ: “Tôi đã chứng kiến bò mẹ và bê con được giao cho Wainana. Nam tước phu nhân Blixen”.

Đặc biệt, Karen Blixen có những trang viết thăng hoa và kỳ thú khi bà mô tả và nhận định về phong tục, tập quán, thói quen tư duy và các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của người châu Phi bản địa.

Trong chương Những vũ hội lớn thuộc phần III của tác phẩm, Karen Blixen đã mô tả các “Ngoma”, đại vũ hội, của người Kikuyu ở Nairobi thuộc Kenya, một cách đầy say mê. Không chỉ vì nó lạ - mặc dù lạ là một yếu tố cần thiết để thu hút sự chú ý - mà chủ yếu là vì nó đẹp, trong cảm quan của bà.

Dù “Ngoma” ban ngày hay “Ngoma” ban đêm, bà luôn nhận thấy ở đó, từ cách trang điểm của người dân bản địa tham gia vũ hội, cách họ bài trí không gian, đến những vũ điệu và những giai điệu mà họ thể hiện, một triết lý nhân sinh và một triết lý thẩm mỹ mang tinh thần thượng đẳng chứ không phải trò múa may kỳ dị của đám dân thuộc địa mọi rợ thấp kém.

Cái cảm quan này khiến ta phải nghĩ đến nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes, một “ông Tây” chính hiệu đã mê mẩn cao nguyên trung phần ở Việt Nam đến mức sống ở Tây Nguyên, tự biến mình thành người Tây Nguyên, và viết về người J’rai Tây Nguyên một cách đầy trân trọng.

Châu Phi là nơi Karen Blixen đã đến với một trời hy vọng và đã rời khỏi với một trời thất vọng, cay đắng vì thất bại trong cuộc sống, vì sự sụp đổ của lý tưởng.

Nhưng bù lại, bà có18 năm trải nghiệm trong lòng châu Phi, một lục địa dù đang bị các đế quốc phương Tây xâu xé, đang bị chiến tranh và khủng hoảng kinh tế tàn phá, đang bị văn minh công nghiệp bóp nghẹt, thì nó vẫn cứ là một thế giới bí ẩn và đầy quyến rũ đối với bà. Châu Phi nghìn trùng của Karen Blixen - Isak Dinesen, một thiên hồi ức cảm động, vừa là văn chương, vừa mang dáng dấp một bút ký dân tộc học khác lạ.

Châu Phi hùng vĩ qua các cuốn sách

Những cuốn sách như “Phi châu thịnh vượng” và “Red Nile” cung cấp góc nhìn về lịch sử, những điều bí ẩn của châu lục này.

Hoài Nam

Bạn có thể quan tâm