Theo Business Insider, “tác giả” của Miko là một phụ nữ 30 tuổi, sống tại Los Angeles (Mỹ). Người này tạo ra Miko sau khi bị một công ty thiết kế sa thải vào đầu năm do đại dịch. Thay vì tìm công việc mới, cô đã mua bộ thiết bị ghi hình chuyển động, trị giá 20.000 USD để tạo ra nhân vật ảo của riêng mình.
Trong khi Miko thu hút sự chú ý qua từng buổi phát sóng, người đứng sau streamer ảo này giấu kín danh tính, chỉ được khán giả biết đến qua biệt danh Technician (Kỹ thuật viên), từng xuất hiện vài lần trong các buổi stream của Miko.
Quyết định đầu tư 20.000 USD của Technician đã có kết quả khi Miko thu hút hơn 700.000 người theo dõi trên Twitch. Mỗi đợt phát sóng của Miko thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, nội dung chủ yếu gồm phỏng vấn các streamer nổi tiếng, chơi game hoặc xem ảnh chế (meme).
Nhân vật ảo Miko thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi trên Internet. Ảnh: Twitch. |
Kiếm tiền thật từ nhân vật ảo
Để tạo ra Miko, Technician đã tự mặc trang phục ghi nhận chuyển động (mocap) được gắn cảm biến xung quanh. Cô cũng sử dụng phần mềm thực tế tăng cường (AR) trên iPhone để ghi nhận biểu cảm trên khuôn mặt. Dữ liệu sau đó được mang lên phần mềm Unreal Engine của Epic Games để xử lý, tạo ra nhân vật với chuyển động cơ thể, nét mặt giống con người.
Tạo hình của Miko là một cô gái tóc hồng, mong muốn trở thành nhân vật phụ (NPC) trong các game như Grand Theft Auto hay Tomb Raider, nhưng chưa thực sự hoàn thiện nên chỉ làm streamer trên Twitch.
Chỉ có vài người theo dõi kênh của Miko trong thời gian đầu ra mắt vào tháng 3/2020. Tuy nhiên, một số nội dung độc đáo, theo thị hiếu người xem giúp Miko thu hút sự chú ý. Sau 3 tháng, kênh này đã có hàng nghìn lượt đăng ký.
Theo Technician, yếu tố giúp Miko được khán giả đón nhận nằm ở sự tương tác. Người xem có thể nạp tiền thật vào Twitch để đổi thành tiền ảo (bit), sử dụng chúng trong stream rồi yêu cầu Miko nhảy, làm những động tác theo ý thích.
“Tính tương tác giúp dự án này tồn tại. So với quy mô ban đầu, tôi còn không đủ trả tiền thuê nhà chứ đừng nói đến đầu tư cho dự án”, người tạo ra Miko chia sẻ.
Nhà thiết kế tạo ra Miko có biệt danh là Technician. Ảnh: Dexerto. |
Tính đến cuối tháng 5, lượng người theo dõi Miko trên Twitch đã lên hơn 700.000. Doanh thu của Miko trong mỗi buổi phát sóng, từ nhà tài trợ đủ để Technician trang trải cuộc sống. Cô còn tuyển họa sĩ hoạt hình, kỹ sư phần mềm, người đại diện, trợ lý cá nhân và quản lý.
Đội ngũ tuyển thêm giúp Miko hoạt động hiệu quả hơn, nhưng Technician vẫn phụ trách tạo ra các chuyển động và chỉnh sửa Miko, công việc tiêu tốn khoảng 100 giờ/tuần.
Trong khi Miko là nhân vật chính, Technician cũng được chú ý khi xuất hiện trong một số buổi phát sóng để trò chuyện, thậm chí phỏng vấn bạn trai của Technician, cũng là một streamer.
Theo Technician, thành công này giúp thiết kế, phát triển Miko trở thành công việc toàn thời gian của cô.
Chăm chút ngoại hình là yếu tố quan trọng
Technician chia sẻ rằng cô đam mê phim và game. Khi học ngành hoạt hình máy tính tại trường đại học, cô đã có ý tưởng tạo ra các trò chơi, thử nghiệm phần mềm viết game.
“Mọi người có thể thấy trong các đoạn stream rằng kỹ thuật của tôi rất sáng tạo, nhưng tôi không phải người tổ chức gọn gàng. Mọi thứ tôi viết giống một mớ hỗn độn, chỉ bắt chúng kết hợp lại và hoạt động”, Technician chia sẻ.
Theo Technician, việc chăm chút ngoại hình của Miko phía sau các chuyển động là điều quan trọng bởi nó giúp nhân vật trở nên hấp dẫn. Cô cho rằng ai cũng có thể học về kỹ thuật nếu đủ chăm chỉ. Tuy nhiên, cặp mắt nhạy bén về các chi tiết nghệ thuật là điều quan trọng giúp cô thành công với nhân vật Miko.
Tạo hình của Miko được cập nhật theo thời gian. Ảnh: Twitter. |
Đội ngũ của Technician đang phát triển phiên bản Miko 3.0 với một số cải tiến về ngoại hình. Trước đó, Miko 2.0 đã ra mắt vào tháng 6/2020.
Với Technician, cô có thể tặng bộ đồ ghi nhận chuyển động cho một streamer trong tương lai để tập trung cho dự án khác. Tuy nhiên hiện tại, cô vẫn tìm thấy niềm vui khi áp dụng các kỹ thuật của mình để phát triển Miko.
“Điều quan trọng nhất với tôi là không ngần ngại thử nghiệm. Nếu thất bại, bạn luôn có thể vứt bỏ chúng đi”, Technician chia sẻ.