Bên cạnh 6.300 m2 không gian làm việc chung hiện có tại trung tâm TP.HCM, The Sentry đang chuẩn bị khai trương thêm 3 địa điểm nữa.
Theo ông Greg Ohan, Tổng giám đốc kiêm đồng sáng lập doanh nghiệp, các công ty đa quốc gia lẫn công ty khởi nghiệp, đặc biệt từ 50 nhân viên trở xuống, đang có xu hướng tìm kiếm mặt bằng thuê linh hoạt, thay vì các hợp đồng dài hạn kèm theo mức chi phí lớn cho cải tạo, hoàn thiện nội thất.
Họ cũng muốn tận dụng những không gian chung hiệu quả, thay vì phải trả tiền thuê các phòng họp, phòng chức năng, đào tạo... vốn hiếm khi sử dụng. Đó là cơ hội cho những không gian làm việc chung của The Sentry.
Trước đó, WeWork cũng cho biết chỉ trong 3 tháng đầu năm đã ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 40% của thị trường Việt Nam, dù đại dịch Covid-19 chỉ mới lắng xuống từ cuối năm ngoái. Công suất cho thuê của WeWork tại 2 tòa nhà ở TP.HCM tăng 28 điểm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng doanh số tăng hơn gấp đôi quý IV/2021.
Điều đáng nói, xét chung các thị trường Đông Nam Á nơi doanh nghiệp này có mặt, công suất cho thuê và tổng doanh số chỉ lần lượt tăng 20 điểm và tăng 70%. Đây là lý do ông Balder Tol, Tổng giám đốc WeWork Đông Nam Á và Australia, gọi Việt Nam là thị trường năng động nhất khu vực.
Một không gian làm việc chung ở trung tâm TP.HCM. Ảnh: The Sentry. |
Thực tế, báo cáo mới của Acclime và Knight Frank Việt Nam cho thấy phân khúc này hiện có tổng diện tích sàn khoảng 135.500 m2 trên toàn quốc, 2/3 trong đó tập trung tại TP.HCM. Mặc dù tốc độ gia nhập thị trường có phần chậm lại so với thời hoàng kim trước đại dịch, nhưng tỷ lệ lấp đầy đang đạt mức kỷ lục hơn 80% tại các tòa nhà văn phòng hạng A và B.
Báo cáo nửa đầu năm của CBRE Việt Nam thậm chí còn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Đơn vị tư vấn này cho biết các chủ đầu tư đang tích cực tìm kiếm mặt bằng mới để mở rộng diện tích kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng lên của khách thuê. Trong đó, 3 giao dịch mở rộng lớn được ghi nhận với tổng diện tích khoảng 3.300 m2, thời gian khai trương dự kiến trong quý III/2022.
Theo ông Alex Crane, Giám đốc điều hành Knight Frank Việt Nam, tinh thần khởi nghiệp của người Việt sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về không gian làm việc linh hoạt, bên cạnh sự đầu tư mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của các tập đoàn đa quốc gia.
Mặt khác, tỷ lệ lấp đầy cao kỷ lục của văn phòng cho thuê tại TP.HCM cũng là một nhân tố thúc đẩy phân khúc này. Knight Frank cho biết tỷ lệ còn trống của văn phòng hạng A và B trên toàn thành phố trong quý II vừa qua đều ở dưới mức 10%.
Suốt nửa đầu năm nay, thị trường chưa có thêm nguồn cung văn phòng Hạng A nào giúp giảm áp lực về giá. Trung tâm thành phố, nơi luôn khát mặt bằng cao cấp, có giá thuê đạt mức 62,67 USD/m2, trong khi ở khu nam ghi nhận giá thuê 34,09 USD/m2 nhờ vào nguồn cung mặt bằng rộng rãi và phong phú hơn. Còn ở phân khúc hạng B, giá thuê trung bình tăng 5,9% so với cùng kỳ, đạt 33,79 USD/m2.
Theo dự báo của Knight Frank, giá thuê trung bình của văn phòng hạng A và B sẽ đi theo hai xu hướng khác biệt, trong đó văn phòng hạng A sẽ tiếp tục tăng giá trước khi thị trường có thêm nguồn cung khoảng 184.478 m2 trong hai năm 2023 và 2024. Trong khi đó, văn phòng hạng B được vẫn giữ giá thuê ổn định trước khi giảm giá vào năm 2023 và 2024 nhằm cạnh tranh với các dự án mới.