Trong vòng một tháng tới, tòa cao ốc Alpha Tower 1 (quận 3, TP.HCM) sẽ chính thức đi vào hoạt động trở lại sau thời gian cải tạo, cung cấp cho thị trường gần 5.100 m2 sàn văn phòng hạng B cho thuê với mức giá quanh vùng 28 USD/m2.
Chia sẻ với Zing, ông Đào Văn Đang - Giám đốc Địa ốc Hoa Đào, chủ đầu tư dự án - cho biết từ khi chưa chính thức chào thuê, tỷ lệ đăng ký trước đã lấp đầy khoảng 60% tổng diện tích. Lý do là nguồn cung mới trên thị trường thời gian qua gần như không có, phân khúc hạng A, B ở khu vực trung tâm TP lại càng khan hiếm hơn, trong khi nhu cầu ngày một tăng cao.
Nguồn cung nhỏ giọt
Ông Đang dẫn chứng riêng quý I vừa qua TP.HCM đã có thêm gần 8.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nếu mỗi nhân viên của những doanh nghiệp này cần khoảng 8 m2 để làm việc, thì ít nhất đã phải cần đến 140.000 m2 diện tích văn phòng.
Báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield Việt Nam cũng cho thấy trong 2 quý vừa qua, mục đích mở rộng văn phòng chiếm 56% tổng lượng giao dịch, chủ yếu khách thuê nhắm đến khu Đông và Nam của TP. Trong đó, đa số giao dịch từ các nhóm ngành phát triển phần mềm, bán lẻ, ngân hàng, logistics, thương mại điện tử, fintech.
"Sau khi dự án này hoàn thiện, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một tòa nhà khác dự kiến cung cấp 10.500 m2 trên đường Nguyễn Văn Thủ (quận 1). Nhưng rõ ràng sự tham gia của chúng tôi rất nhỏ nhoi so với nhu cầu của thị trường, cơ hội cho các chủ đầu tư khác còn rất lớn", ông Đang nói.
Các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm văn phòng ở TP.HCM. Ảnh: Savills. |
Thực tế, đây là một trong những tòa nhà văn phòng hiếm hoi khai trương từ đầu năm đến nay ở TP.HCM, sau CMC Creative (quận 7) và Pearl 5 (quận 3) đi vào hoạt động từ quý I.
Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills TP.HCM, cho biết tổng diện tích văn phòng cho thuê ở đô thị này đã đạt 2,5 triệu m2, tương đương thị trường Hà Nội nhưng còn rất thấp so với mức 8-10 triệu m2 ở các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á.
Còn bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, nhấn mạnh sự thiếu hụt nguồn cung tòa nhà hạng A, dù nhu cầu tăng cao do sự đổ về của nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bà cho biết các tập đoàn quốc tế gia nhập thị trường luôn yêu cầu một không gian chất lượng, tầm nhìn bao quát và vị trí trung tâm mang tầm khẳng định vị thế để thu hút khách hàng và nhân tài.
Tuy nhiên, trong năm nay, ngoài những tòa nhà mới khai trương, chỉ có một số ít dự án khác dự kiến ra mắt như OfficeHaus, Cobi Towers...
Bà Hồng An cho biết các năm 2023-2024 sẽ bắt đầu có những dự án quy mô lớn hơn, đến 2025 thị trường đón nhận những tòa nhà hạng A ở trung tâm. Ước tính từ nay đến năm 2025 TP.HCM sẽ chào đón 17 dự án văn phòng mới, nguồn cung tăng thêm 526.000 m2.
"Đến 2025 thị trường mới có thể được 'giải thoát' khỏi tình trạng khan hiếm nguồn cung này, với điều kiện các thủ tục cấp phép được đẩy nhanh và các chủ đầu tư kiểm soát được chi phí", bà An nói với Zing.
Giải pháp "giải khát" cho khách thuê
Theo vị chuyên gia tại Savills, thời gian phê duyệt dự án kéo dài, các quy định thắt chặt trong phòng cháy chữa cháy cùng chi phí đất đai, xây dựng tăng đến 30% là những nguyên nhân chính gây nên rào cản cho các chủ đầu tư thời gian qua.
Do đó, để giải quyết tình trạng này, họ buộc phải giải quyết các vấn đề nội tại, đặc biệt là tìm kiếm quỹ đất sạch với mức giá hợp lý và tối ưu các chi phí xây dựng, vận hành.
Từ phía khách thuê, bà cho rằng xu hướng văn phòng kết hợp (hybrid working) sẽ bùng nổ và duy trì bền vững. Theo đó, người lao động được linh hoạt lựa chọn làm việc trên văn phòng hay làm việc từ xa tùy tính chất công việc. Doanh nghiệp từ đó tiết kiệm chi phí vận hành, bên cạnh thúc đẩy tính tự do, sáng tạo của nhân viên.
Văn phòng kết hợp với mô hình làm việc linh hoạt được cho là xu hướng của tương lai. Ảnh: Cushman &Wakefield. |
Với xu hướng này, doanh nghiệp có thể tìm kiếm một địa điểm văn phòng và biến đổi không gian đó thành văn phòng kết hợp, hoặc cải tạo văn phòng đang có thành văn phòng kết hợp. "Savills chính là một ví dụ dễ thấy, với 180 nhân viên nhưng chỉ có 130 chỗ ngồi ở văn phòng, vậy mà chúng tôi vẫn có thể vận hành tốt", bà An chia sẻ.
Còn các doanh nghiệp có nhiều bộ phận với lượng lớn nhân viên có thể đặt một trụ sở chính và mở nhiều văn phòng vệ tinh ở những vị trí phù hợp nhu cầu làm việc của người lao động. Bà cho biết một công ty công nghệ có văn phòng lớn ở TP Thủ Đức vẫn thường xuyên tìm kiếm các văn phòng vệ tinh quy mô nhỏ ở các khu vực khác.
Cùng góc nhìn, bà Trang Bùi nhìn nhận thực tế mô hình làm việc này đang dần trở nên phổ biến, nhất là ở những doanh nghiệp công nghệ, thương mại điện tử. Muốn vậy, các văn phòng trong tương lai cần có cả không gian cá nhân và không gian cộng tác.
"Các công ty đang chú trọng bổ sung không gian đa dạng như buồng một người cho nhân viên cần tập trung cao độ, bàn dài đặt trong không gian linh hoạt để khuyến khích hợp tác và giao lưu giữa các team, không gian giải trí và chăm sóc sức khỏe như gym và phòng nghỉ. Nơi làm việc của tương lai sẽ là một hệ sinh thái mang lại nhiều lựa chọn cho người lao động cả về loại không gian làm việc, thời gian làm việc đến các tiện ích xung quanh", bà Trang Bùi chia sẻ.