Tối 3/9, đông đảo bạn đọc đến dự buổi tọa đàm “Cái chết - tài sản duy nhất mà con người sở hữu” tổ chức nhân dịp ra mắt bản tiếng Việt tác phẩm Chết chịu (tác giả Louis-Ferdinand Céline). Chương trình diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội với sự tham gia của dịch giả cuốn sách - Dương Tường, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu văn học Phùng Ngọc Kiên.
Từ phải qua: Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp (đứng), TS Phùng Ngọc Kiên, dịch giả Dương Tường, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Céline được xem là một trong những tác giả Pháp lớn nhất thế kỷ 20. Ông nổi tiếng vì phá vỡ các quy tắc cú pháp truyền thống. Chết chịu là câu chuyện viết về tuổi thơ của Ferdinand Céline - người con trong gia đình tiểu tư sản. Nhân vật khi ấy là bác sĩ hồi tưởng những năm tháng thơ ấu của mình.
Câu chuyện về vị bác sĩ viết văn và những tác phẩm chia rẽ văn đàn
Céline với chúng ta là một tác giả xa lạ, nhưng không mới. Năm 1998, ông xuất hiện ở Việt Nam với Cuộc du hành tới tận cùng đêm tối (bản dịch của Hoàng Phong). Chết chịu là tác phẩm thứ hai của Céline được xuất bản ở Việt Nam. Dù tiểu thuyết của ông được xếp vào hàng kinh điển, song các tác phẩm ấy không ngừng gây tranh luận cho tới ngày nay.
Theo TS Phùng Ngọc Kiên, tác phẩm của Céline gây chia rẽ văn đàn có phần bắt nguồn từ chính cuộc đời ông. Louis-Ferdinand Céline (1894 - 1961), xuất thân trong gia đình tiểu tư sản trong giai đoạn nước Pháp đang phát triển mạnh mẽ, điều đó ảnh hưởng nhiều tới sáng tác của ông.
Những năm 1900 là thời kỳ đỉnh cao của nước Pháp hoa lệ, phồn vinh, tiến bộ. Gia đình Céline buôn bán nhỏ, gặp khó khăn trong cuộc đua đô thị hóa đang tàn sát những hoạt động sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ.
Nhà văn Céline. |
Việc tham gia quân đội Pháp và tham chiến ảnh hưởng nhiều tới thái độ, góc nhìn về sự sống, cái chết của Céline. Năm 1924, ông làm luận án tiến sĩ y khoa năm 1924 với chủ đề Cuộc đời và cống hiến của Ignaz Semmelweis; luận án này thực sự là tác phẩm văn học đầu tiên và trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của ông. Một người từng cầm dao mổ khi cầm bút sẽ có cái nhìn khác về sự sống và cái chết của con người. “Sự thật của thế giới này bắt đầu từ cái chết”, Céline từng viết.
Nhân sinh quan của Céline thể hiện trong các tác phẩm của ông. Cuộc du hành tới tận cùng đêm tối ra mắt năm 1932 khiến giám khảo Goncourt chia rẽ sâu sắc. Tác phẩm hụt giải văn chương danh giá bậc nhất nước Pháp, nhưng khiến người ta bàn tán mãi không thôi. Tác phẩm của Céline được coi là mới mẻ bậc nhất giai đoạn ấy. Hơn ba năm sau, tác phẩm được dịch sang tiếng Nga.
Chết chịu ra mắt năm 1936 không thành công về dư luận như Cuộc du hành tới tận cùng đêm tối, nhưng tiếp tục tạo nên sự mới mẻ. Giới văn chương cho rằng không có Céline, hiển nhiên văn học Pháp vẫn đi theo cách êm đềm như con đường cha ông họ vẫn đi. Nhưng Céline xuất hiện đã thúc đẩy tiểu thuyết Pháp tiến lên phía trước 100 năm, khi tạo ra những tác phẩm cực kỳ thời sự. Đọc Chết chịu, cuốn sách viết năm 1936 ấy, đến nay vẫn chưa gợn nếp nhăn nào, nó luôn tươi mới, hiện đại.
Chỉ cái chết là khả tín
Chết chịu được xem như hồi ức của chính nhà văn, khi ông đưa tên nhân vật, tên cha mẹ, nghề nghiệp, công việc gia đình, bối cảnh xã hội vào tác phẩm. Tiểu thuyết là những hồi tưởng của bác sĩ Ferdinand về những năm tháng ấu thơ của mình trong gia đình tư sản nhỏ.
Cậu bé Ferdinand có một tuổi thơ gắn liền với những lời trách móc của cha mẹ, với thất bại liên miên trong học hành. Ferdinand ngỗ nghịch tưởng như sẽ có tương lai vô vọng, nhưng cuộc gặp gỡ định mệnh với một nhà phát minh lập dị đã đưa cuộc đời cậu sang trang mới.
Trong nguyên tác, tiểu thuyết có tên Mort à crédit, được dịch giả Dương Tường lấy tên Chết chịu. Ông giải thích con người thường quen mua chịu, bán chịu, và mong muốn có cái chết sòng phẳng; nhưng ở đây đến cái chết chúng ta cũng không đủ để trả, chết cũng không có nghĩa là đã hết nợ.
Sách Chết chịu. |
Chết chịu thể hiện triết lý của tác giả về sự sống và cái chết. Sống là đi xuống mãi, nhưng chết, ngay cả chết, cũng không phải là giải thoát, làm gì có giải thoát hay cứu rỗi khi mà ta đã chết. Chỉ có chết mới tạo ra lòng tin (crédit), có lòng tin thì mới được phép “mua chịu”, “mua trả góp”. Vì vậy, tài sản duy nhất con người sở hữu là cái chết.
Tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên phân tích Céline là một kẻ chán đời. Giữa giai đoạn xã hội Pháp đầu thế kỷ 20 đầy biến động với những tiến bộ khoa học, người ta cho rằng Pháp phồn thịnh, thì Céline nhìn thấy những bất ổn. Tác phẩm cho thấy thời đại phát triển kỹ nghệ, nhưng nó đưa đến sự đau khổ cho con người, khiến mỗi người dân phải đấu tranh để kiếm sống, tồn tại.
Là một người theo chủ nghĩa hư vô, tác phẩm luận về cái chết, song Chết chịu không hề u ám. Mở đầu tác phẩm là cái chết, kết thúc tác phẩm là câu chuyện của nhân vật với người bác đầy tươi sáng, nhẹ nhõm.
Chết chịu - tác phẩm kinh điển của văn học Pháp - nổi tiếng với cách viết mới mẻ, cách dùng từ độc đáo. Dịch giả Dương Tường cho biết cách dùng từ của Céline vô cùng phong phú, khiến người ta phải biên soạn cả cuốn Từ điển Céline. Quá trình chuyển ngữ Chết chịu, ông được cuốn từ điển này trợ giúp cho nhiều ca khó.
Sự độc đáo của Chết chịu từng được các cây bút nhận xét trong nhiều năm qua. “Chưa bao giờ ngôn ngữ nói, sự ứng tác của cơ quan thanh quản lại được hiện thực đến vậy, nhờ vào Céline. Hết sức lưu loát, hết sức buông tuồng!”, Yanette Délétang-Tardif viết trên tạp chí Les cahiers du sud.
Pierre Scize viết trong bài Những ai không thích Céline: “Cuốn sách giận dữ, la thét, tuôn trào ồ ạt, gây ấn tượng mạnh mẽ này, ta chẳng bao giờ cân đong đo đếm nổi. Đó là một tác phẩm của Sa tăng, nếu thực sự địa ngục chỉ là sự tước đoạt hy vọng. Đó là một tiếng “không!” quyết liệt trước mọi câu hỏi mà cuộc sống đặt ra.
Céline, từ nay, ông có thể nói và làm tất cả những gì ông muốn. Ông đã mang lại cho nỗi tuyệt vọng người một tiếng nói. Một tiếng nói không bao giờ câm lặng nữa”.