50 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa để lại muôn vàn tình yêu thương cho dân tộc. Trong lớp lớp người tiếc thương vị cha già kính yêu ấy, nhà thơ Lê Đạt lặng lẽ viết về Người. Lê Đạt cầm bút viết bài trường ca từ sau ngày Bác mất năm 1969, đến tháng 5/1970 thì hoàn thành để kịp giỗ đầu Bác. Tuy chưa xuất bản nhưng nhiều người trong giới thi ca đã chuyền tay đọc tác phẩm.
Năm 1990, nhân dịp Việt Nam và thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, NXB Thanh Niên in tác phẩm thành sách, giới thiệu bản trường ca tới rộng rãi công chúng.
Các cháu bây giờ cháu của ai?
Mở đầu trường ca, tác giả dùng những dòng thơ ngắn mà súc tích, cảm xúc hòa chung sự đau thương của dân tộc trong những ngày mùa thu năm ấy:
Mở rằm
nhớ
một ông trăng
Cái đèn
băng đen
Tháng tám
Thuở long lanh
Nước
nức
nở
Ba Đình
Sử mở
trắng tang
trang
Ta gọi
Việt Nam
Ta khóc
Bác
“Các cháu bây giờ cháu của ai”?
Sách Trường ca Bác. |
Lòng tiếc thương được tác giả chuyển thành những vần thơ đầy xúc động: “Hôm nay / Ta / cúi đầu / Việt Nam bất khuất / khóc / Người lãnh tụ / người lão bộc trung thành / Người cha / người con yêu của Nước”.
Bao trùm lên trường ca dài 262 dòng là sự tiếc thương, tôn kính với Bác. Chỉ bằng những dòng thơ ngắn, tác giả phác lên chân dung, cốt cách Bác cùng những bước đường mà Người đi qua.
Chân dung Bác hiện lên trong tác phẩm như một nhân vật đến từ bề dày lịch sử đất nước: “Mây trắng đền Hùng / râu Bác ung dung”; vừa giống một nhân vật trong cổ tích nhân loại: “Ông già Giao thừa / râu phơ phất / ngưỡng xuân”; lại có phong thái ung dung của một ông già phương Đông lạc quan: “Túi kẹo / túi vần tươi / mừng tuổi”.
Tâm hồn Người có chỗ cho tất cả người cùng khổ, tấm lòng Người mênh mang rộng lớn: “Bóng mát để nghỉ ngơi / Những câu thơ lồng lộng rất nhiều trời”.
Tiếc thương Bác không chỉ có người dân Việt Nam, tập trường ca còn thể hiện tình cảm nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ tịch / chẳng huân chương gì / chói chang / nơi / ngực / Từ gốc thật / lòng mình / Nhân loại / tâm tặng / Người / Huân chương / không huân chương nào so sánh được / Mục / Hồ Chí minh / tập Đại toàn thư lịch sử / Chỉ cần ghi / hai chữ / Bác Hồ”.
Viết sau khi Bác mất - một tổn thất to lớn của dân tộc - nhưng trường ca khép lại không bằng sự đau xót, mà mở ra một mùa xuân an lành, tràn đầy hy vọng, như chính di sản Bác để lại cho chúng ta. “Quả xuân / Nhớ người / trồng xuân / Trùng trùng xuân / điệp núi / điệp sông / điệp Đồng Tháp / điệp Trường Sơn / Điệp điệp / BÁC / đi / xuân…”
Những cách tân thơ và lòng yêu kính Bác
Tự nhận mình là “phu chữ”, Lê Đạt sáng tác Trường ca Bác với sự chắt lọc từng câu, chữ, nhịp vần cho thơ. Nói về thi pháp trong Trường ca Bác, nhà thơ Khương Hữu Dụng nhận xét: “…tác giả đã khéo kết hợp phương pháp cắt dán và hệ pháp đa nghĩa của thơ phương Tây với truyền thống dân ca mang đậm đà phong vị dân tộc”
“Tác giả đã tìm ra những từ ghép phức nghĩa mà các nhà thi pháp học gọi là từ - vali như giản dị - kỳ, hiền - hiện đại, quyết liệt - nhân từ, hồn nhiên - từng trải… và mạnh tay sử dụng thuật dựng của điện ảnh”, nhà thơ Khương Hữu Dụng đánh giá.
Tập thơ sử dụng những câu đơn thuần trích, ghép những lời đã sẵn có, đó có thể là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trích vài từ trong Di chúc, một câu ngắn trong điếu văn của Người, hay những bức thư chia buồn mà các quốc gia gửi tới… để dựng lên hình ảnh đầy hàm súc về Bác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bàn làm việc. Ảnh: Tư liệu. |
Nhà thơ Khương Hữu Dụng là người chứng kiến Lê Đạt sáng tác Trường ca Bác. Ông kể đó là khoảng thời gian mà Lê Đạt hết sức gian truân về vật chất. Hàng ngày, ngoài giờ lo bữa ăn cho gia đình và mấy giờ dịch đủ các thứ tài liệu kiếm sống, Lê Đạt lại miệt mài đọc viết. Ông nghiên cứu la liệt những báo chí trong và ngoài nước, bản tin, hồi ký, sách chính trị, thơ Bác, ảnh chụp tang lễ… Trong căn gác xép, Lê Đạt ngồi trước bàn văn vốn là một hòm đựng sữa cũ, viết nhiều, xóa nhiều, mà phần xóa nhiều hơn viết.
“Tác giả rất mực yêu kính Bác đồng thời rất mực tự hào ở cương vị người lao động thơ. Và chính thái độ ấy càng tôn hình ảnh Bác thêm thuyết phục, nhân bản, dân chủ, vẽ nên bức chân dung chân thực người lãnh đạo”, nhà thơ Khương Hữu Dụng viết.
Là người năm nào cũng đọc lại tác phẩm, nhưng với nhà thơ Khương Hữu Dụng, Trường ca Bác như một tòa tháp nhiều tầng, nhiều hành lang, lúc nào cũng có thể tìm thấy một thú vị bất ngờ ở một góc nào đó chưa tới.