Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơ trưởng mê vẽ truyện tranh, viết sách nghiên cứu về không chiến

Quân chủng Phòng không - Không quân có nhiều nhà văn có tiếng, như Lê Thành Chơn, Hà Bình Nhưỡng, Nguyễn Công Huy, Lê Hải… nhưng cũng có một họa sĩ từng vẽ 2 tập truyện tranh.

Người đó là phi công Nguyễn Nam Liên, nguyên giáo viên bay trong trường Sĩ quan Không quân, hiện là cơ trưởng lái máy bay Boeing 787 của Vietnam Airlines, đồng thời là Hiệu trưởng trường đào tạo phi công Bay Việt.

Khi còn là lính không quân, ông đã in hai tập truyện tranh về đề tài không chiến. Đề tài đó theo đuổi ông cả khi đã chuyển ra làm phi công dân sự, và năm 2013, ông cùng ông Nguyễn Sĩ Hưng và nhiều đồng đội khác hoàn thành cuốn Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam nhìn từ hai phía, được giới độc giả yêu thích quân sự đánh giá cao.

Nguyen Nam Lien,  phi cong,  Anh hung LLVT,  khong chien,  truyen tranh Viet Nam anh 1
Ông Nguyễn Sĩ Liên trong thời gian ở trường Sĩ quan Không quân. 

Là con một cán bộ lãnh đạo đài truyền hình, nhưng ông Liên say mê máy bay từ thuở nhỏ. “Đồ chơi đầu tiên của tôi là mô hình máy bay. Khi cầm bút chì, hình vẽ đầu tiên của tôi là máy bay”, ông kể lại.

Những hình vẽ máy bay cứ liên tục theo ông Liên suốt thời kỳ học sinh. Ông hay sưu tập hình ảnh các loại máy bay của không quân Việt Nam và không quân Mỹ, dùng làm mẫu để vẽ. Cứ thế, nét vẽ của ông ngày càng tinh xảo, hình ảnh giống máy bay thật mà không qua trường lớp dạy vẽ nào.

Lúc ông Liên lên cấp 2, cha ông đi công tác nước ngoài đem về cho ông mấy cuốn truyện tranh của Pháp khiến ông mê mẩn, thường đem ra tập vẽ rồi nghiện dần cách vẽ truyện tranh của Pháp.

Đến năm 15 tuổi, ông Liên tự mình vẽ xong một cuốn truyện tranh mang tên Không quân sát đấu, trong đó, nhân vật chính là đại úy… Nguyễn Nam Liên, điều khiển máy bay MiG-23 chiến đấu tung hoành trên bầu trời. Cuốn truyện tất nhiên được bạn bè cùng lớp, cùng trường hết sức tán thưởng, chuyền tay nhau đọc đến rách thì thôi.

Ông kể, thời đó, trẻ con ai cũng mê truyện tranh của họa sĩ Huy Toàn, đặc biệt là truyện tranh chiến đấu. “Vẽ xe tăng, tàu chiến, vũ khí, khí tài, không ai hơn được bác Huy Toàn”, ông khẳng định. Khi đọc quyển truyện tranh về đề tài không chiến của Huy Toàn tựa đề Chim cắt số 2, ông nghĩ: “Cái này mình làm được. Mình sẽ cố gắng vẽ máy bay bằng bác Huy Toàn” ông đặt mục tiêu.

Quyết tâm đó theo ông Liên vào quân đội. Năm 1978, ông nhập ngũ và thỏa lòng mơ ước khi trúng tuyển vào không quân, được vào học trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trang. Trong quá trình học tập, có thời gian rảnh rỗi, ông lại lôi giấy bút ra vẽ. Đến năm 1983, ông hoàn thành cuốn truyện đầu tiên mang tựa đề Cuộc đọ sức, kể về cuộc chiến đấu của biên đội các anh Lan - Chiêu - Trì - Độ ngày 20/9/1965. Trận đó, biên đội 4 chiếc MiG-17 của các phi công Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Nhật Chiêu, Trần Văn Trì, Nguyễn Ngọc Độ đã bắn rơi một chiếc máy bay F-4C, thu được kinh nghiệm chiến đấu quan trọng với máy bay F-4 Mỹ.

Nguyen Nam Lien,  phi cong,  Anh hung LLVT,  khong chien,  truyen tranh Viet Nam anh 2
Đến cuốn truyện tranh thứ 2 mang tên Một chọi một, ông Liên đã đứng tên trên bìa sách.

Lúc ấy, ông cũng chưa có kinh nghiệm nên nhờ người bạn là họa sĩ từng in truyện tranh đứng tên, xin giấy phép. Sách in ra, được độc giả trẻ yêu thích, nhiều người vẫn nghĩ rằng họa sĩ bạn ông là người đã vẽ quyển truyện này.

Vài năm sau, ông ấp ủ cuốn truyện tranh thứ hai, với tên gọi Một chọi một, kể về cuộc không chiến ngày 19/7/1966 mà 2 chiếc MiG-17 của không quân Việt Nam, do các phi công Nguyễn Văn Biên và Võ Văn Mẫn đã bắn hạ 2 máy bay F-105 của không quân Mỹ. Sách phát hành năm 1987 và lần này, cái tên Nguyễn Nam Liên bắt đầu được trong giới độc giả trẻ yêu thích truyện tranh biết đến.

“Với cuốn truyện này này các bạn yêu thích máy bay đã được thưởng thức hình vẽ chính xác các loại máy bay tham chiến thời gian đó trên bầu trời miền Bắc”, ông tự hào với thành quả này.

Năm 1990, ông chuyển ngành ra dân sự, trở thành phi công rồi giáo viên bay tại đoàn bay 919, thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), nhưng niềm đam mê về đề tài không chiến vẫn cứ theo sát ông bên cạnh niềm đam mê bay.

Ở đây, ông Liên được làm việc với một người lãnh đạo, người anh thân thiết là tiến sĩ Nguyễn Sĩ Hưng, cựu trung tá phi công quân đội, người sau này được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Vietnam Airlines. Ông Hưng là con trai của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và cũng là người rất tâm huyết với đề tài lịch sử, nhất là lịch sử của không quân Việt Nam.

“Trong một lần hai anh em bay chuyên cơ đưa Chủ tịch nước đi công tác châu Âu, tôi giới thiệu với anh Hưng đề án viết sách về đề tài không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ mà tôi đang thực hiện, anh Hưng đề nghị tham gia chung ngay”, ông Liên kể. Trước đó, ông Hưng là tác giả và dịch giả của một số cuốn sách về không quân. Năm 2011, ông Hưng nghỉ hưu, dành nhiều thời gian, công sức cho công trình mà ông Liên đã khởi động từ trước đó.

Cơ trưởng Nam Liên khẳng định, nhờ vai trò của ông Hưng mà công trình đồ sộ của nhóm tác giả mới hoàn thành xong.

Đến năm 2013, sau quá trình nghiên cứu lượng tài liệu to lớn từ cả phía Việt Nam và Mỹ, cùng sự đóng góp của các cựu phi công, anh hùng và cán bộ, lãnh đạo Quân chủng PK-KQ, cuốn sách Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía dày tới 992 trang đã ra mắt công chúng, được độc giả nhiệt tình đón nhận. Trung tướng Trần Hanh, anh hùng phi công, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhận xét đây là một “bom tấn” về đề tài không chiến giữa Việt Nam và Mỹ.

Nguyen Nam Lien,  phi cong,  Anh hung LLVT,  khong chien,  truyen tranh Viet Nam anh 3
Cuốn Những cuộc không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía của hai ông Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả ra mắt năm 2013.

Tiếp tục với niềm đam mê của mình, trong mấy năm qua, ông Liên cùng các cựu phi công, anh hùng không quân lại tiếp tục tham gia làm cố vấn thực hiện bộ phim tài liệu Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên vừa ra mắt ngày 15/5 vừa qua, cũng có tiếng vang lớn.

“Khi nghỉ hưu, tôi muốn tiếp tục bổ sung thêm những tư liệu, thông tin mới vào cuốn Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam nhìn từ hai phía, đặc biệt là dịch sang tiếng Anh để độc giả, giới nghiên cứu nước ngoài dễ dàng tiếp cận”, ông chia sẻ.


Bạn có thể quan tâm