Trong báo cáo về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, Bộ Tài chính liệt kê nhiều giải pháp sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Đầu tiên, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ, Quốc hội, xem xét việc miễn, giảm thuế thông qua chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường hiện đại hóa hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
Bộ Tài chính cũng nghiên cứu đề xuất việc lùi thời hạn tổ chức đại hội cổ đông thêm 3 tháng đến trước ngày 30/9, giảm thời hạn công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ từ 7 ngày xuống 1-2 ngày, tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán; cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất cho phép doanh nghiệp FDI đủ điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Việt Hùng. |
Cơ quan này cũng sẽ phối hợp sát sao với các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Trong điều kiện thu ngân sách dự kiến giảm, chi ngân sách tăng, cân đối ngân sách Nhà nước rất khó khăn, Bộ Tài chính cũng đề ra giải pháp đẩy mạnh kiểm soát chi tiêu, triệt để tiết kiệm để cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên không thực sự cần thiết.
Các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm tối thiểu 30% dự toán kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% dự toán kinh phí công tác nước ngoài trong 9 tháng cuối năm 2020.
Bộ Tài chính sẽ sử dụng từ nguồn dự phòng, nguồn vượt thu của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ cân đối ngân sách.
Bộ Tài chính cũng tiếp cận đàm phán một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng phát triển Châu Á, Ngân hàng thế giới, Cơ quan phát triển Pháp, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản để góp phần giảm áp lực vay trong nước.