Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp vào hôm nay khi đà tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm qua được duy trì.
Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên 7/5 tăng 1,8%, dừng tại 797 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 1,6% neo tại 108 điểm. Trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index chỉ tăng nhẹ 0,04%.
Hôm nay nhóm bluechip đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt thị trường. Có tới 26/30 cổ phiếu trong nhóm VN30 tăng điểm, giúp chỉ số VN30-Index tăng 1,9%. Các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hạ nhiệt. Chỉ số đại diện nhóm midcap và smallcap tăng thấp hơn, lần lượt ở mức 0,9% và 0,8%.
Sau thông tin các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu được mở cửa (trừ karaoke, vũ trường, quán bar), bộ đôi cổ phiếu ngành bia tăng mạnh. SAB (Sabeco) tăng trần, BHN (Habeco) tăng 3%.
Cổ phiếu hai hãng hàng không gồm VJC (Vietjet) tăng 3%, HVN (Vietnam Airlines) tăng 1% sau khi Bộ Giao thông Vận tải cho phép bỏ giới hạn tần suất khai thác các chặng bay nội địa và quy định giãn cách hành khách trên máy bay từ 7/5.
Cổ phiếu ngành thép, xây dựng tiếp tục có phiên giao dịch khởi sắc trước kỳ vọng về việc thúc đẩy đầu tư công. HPG (Hòa Phát) tăng 6%, NKG (Nam Kim) tăng 2%, CTD (Coteccons) tăng 3%, HBC (Hòa Bình) tăng 4%.
Nhóm ngân hàng cũng tạo động lực dẫn dắt thị trường. VCB (Vietcombank), BID (BIDV) lần lượt tăng 3% và 4%, nằm trong top 5 cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index hôm nay. CTG (Vietinbank), TCB (Techcombank), MBB (MBBank), VPB(VPBank), STB (Sacombank) cùng đóng cửa trong sắc xanh.
VN-Index tiến sát mốc 800 điểm. Ảnh: VNDS. |
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên hôm qua, tổng giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE hơn 3.600 tỷ đồng. Đà bứt phá của thị trường từ vùng tích lũy đang được thanh khoản hỗ trợ giúp củng cố nhịp tăng mới.
Khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng nhưng giá trị giảm còn 137 tỷ đồng trên cả 3 sàn, mức thấp so với nhiều tuần qua.
Kết thúc phiên 7/5, chuyên gia phân tích của Mirae Asset nhìn nhận tâm lý thị trường chung là lạc quan, thể hiện ở thanh khoản cải thiện và dòng tiền đã trở lại nhóm bluechip trong 2 phiên gần nhất.
Báo cáo của công ty cho rằng kết quả kinh doanh kém khả quan của doanh nghiệp trong quý I khi lợi nhuận sau thuế toàn thị trường giảm 27% theo số liệu của Fiinpro đã được hấp thụ tốt theo hiệu ứng “tin xấu nhất đã được công bố”. Tuy nhiên, quý II mới là thời điểm xấu nhất do ảnh hưởng từ việc cách ly xã hội và dòng tiền vẫn còn vận động theo hướng giao dịch ngắn hạn.
Dự báo về phiên sắp tới, bộ phận phân tích của chứng khoán Yuanta cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục kiểm chứng vùng kháng cự 800-810.
“Nếu thị trường duy trì đà tăng trong phiên kế tiếp, xu hướng tăng ngắn hạn có thể rõ ràng hơn và chỉ số VN-Index có thể sớm thoát khỏi hoàn toàn mức kháng cự 810 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã thu hút dòng tiền quay trở lại cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn càng được củng cố”, chuyên gia của công ty đánh giá.