Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp than bị ngân hàng làm khó khi xin giãn nợ

Trước ý kiến về việc doanh nghiệp khó nhận hỗ trợ từ các gói giãn nợ, giảm lãi suất, đại diện Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ giám sát việc thực hiện chính sách của các nhà băng.

Ngay từ đầu tháng 2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 01 yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cho biết việc tiếp cận với sự hỗ trợ của các ngân hàng còn nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí bị gây khó dễ.

Không dám giãn nợ vì sợ bị chuyển nhóm nợ

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM cho biết doanh nghiệp trực thuộc hiệp hội phải vay để trả lương công nhân trong bối cảnh thị trường chung khó khăn. Đặc thù của ngành cơ khí là việc đào tạo nguồn nhân lực lành nghề mất nhiều thời gian nên các doanh nghiệp phải tìm cách giữ chân người lao động để chuẩn bị thời cơ sau dịch.

Tuy nhiên, khi tiếp cận ngân hàng để vay trả lương, doanh nghiệp không được hỗ trợ. Ông Tống kể có doanh nghiệp phản ánh đến ngân hàng xin giãn nợ nhưng khi làm thủ tục thì bị “hù dọa” đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nếu để xem xét giãn nợ.

Doanh nghiệp không dám tiếp tục xin giãn nợ vì nếu bị chuyển nhóm nợ sẽ khó vay vốn sau này. Do đó, họ phải tìm cách vay mượn các nguồn khác để thanh toán lương cho công nhân. “Chỉ mới giãn nợ mà đã hù cho doanh nghiệp sợ thì lấy gì mà giảm lãi suất”, ông Tống phát biểu.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, cũng chia sẻ nếu xin giãn nợ, doanh nghiệp sẽ vào nhóm tín dụng xấu và việc vay vốn sau này sẽ rất khó. Các công ty lữ hành còn gặp khó vì không có tài sản thế chấp nên ngân hàng không cho vay khiến dòng tiền cạn kiệt.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, cũng thông tin một số doanh nghiệp thuộc hội cho hay còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các gói hỗ trợ của ngân hàng.

ngan hang anh 1

Buổi tọa đàm về giải phát hồi phục, phát triển kinh tế TP.HCM sau dịch Covid-19 ngày 5/5. Ảnh: HMC.

“Một số doanh nghiệp phản ánh các điều kiện vay vốn còn chặt chẽ, thủ tục phức tạp hơn. Thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp rườm rà, đối tượng áp dụng chưa rõ ràng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chưa tiếp cận được”, bà Chi nói.

Bà mong muốn NHNN có hướng dẫn quy trình chuẩn thẩm định, đánh giá thiệt hại, công khai minh bạch danh sách ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp do Covid-19 được hưởng hỗ trợ.

Ông Trần Quốc Mạnh, lãnh đạo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, nhấn mạnh điểm nghẽn lớn nhất hiện cần phải tháo gỡ cho doanh nghiệp là có được vay vốn nữa hay không.

“Điểm sống còn của doanh nghiệp là vay vốn ngân hàng. Có thời kỳ doanh nghiệp vay ngân hàng lãi suất 18-20%/năm nhưng vẫn sống được vì có vốn. Nếu các doanh nghiệp không có vốn hoạt động thì các chính sách hỗ trợ khác cũng không có hiệu quả cao”, ông Mạnh khẳng định.

Ông cho biết theo thống kê của hội, đã có khoảng 50% doanh nghiệp không còn đủ điều kiện vay vốn và tỷ lệ này có khả năng còn tăng. Trong khi đó, các ngân hàng lại khẳng định không hạ tiêu chuẩn cho vay vốn.

Nhắc lại kinh nghiệm trong quá khứ, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cho biết cần tính đến chính sách "nuôi nợ để đòi nợ". Các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp sẽ không bị chuyển thành nợ xấu và ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay. Vì nếu doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu sẽ không được vay mà không vay được thì không sống được.

Cựu Chủ tịch ngân hàng Sacombank Đặng Văn Thành nêu giải pháp các ngân hàng nên thành lập tiểu ban xử lý, phân tích tình hình của từng khách hàng doanh nghiệp để hỗ trợ. Ông cũng chia sẻ bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng chịu những áp lực trong hoạt động.

Sẽ xử lý nếu ngân hàng gây phiền hà cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM thông tin sau thời gian triển khai thông tư 01, hệ thống ngân hàng tại TP.HCM báo cáo đã cơ cấu 63.000 tỷ đồng dư nợ, miễn giảm lãi vay với 12.000 tỷ cho 168.000 khách hàng, trong đó 38% là doanh nghiệp. Các ngân hàng cũng cho vay mới tổng cộng 88.800 tỷ đồng cho hơn 13.600 khách hàng từ khi có dịch.

Ông Minh khẳng định trong suốt thời gian dịch bệnh xảy ra, ngành ngân hàng đang đồng hành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch.

Đại diện NHNN cũng chia sẻ, tiếp thu tất cả ý kiến phản ánh của doanh nghiệp và sẽ rà soát, kiểm tra lại việc thực hiện chính sách hỗ trợ đã được NHNN ban hành trong hệ thống ngân hàng ở TP.HCM. Ông Minh khẳng định việc ngân hàng cơ cấu lại nợ nhưng chuyển nhóm nợ là làm sai chỉ thị của NHNN.

ngan hang anh 2

NHNN sẽ kiểm tra lại việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại. Ảnh: Quỳnh Trang.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra, giám sát, thậm chí xử lý những trường hợp không thực hiện nghiêm chỉ thị của thống đốc NHNN, gây phiền hà cho doanh nghiệp”, ông cam kết.

Đồng thời, ông Minh cho biết NHNN sẽ yêu cầu các ngân hàng phải công khai minh bạch, cụ thể các tiêu chí như về dòng tiền, doanh thu, khả năng trả nợ, mức giảm lãi suất, tạo điều kiện doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận ưu đãi của thông tư 01.

Với các công ty lữ hành cũng như nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp, ngành ngân hàng sẵn sàng cho vay với điều kiện doanh nghiệp khi vay vốn phải đảm ngân hàng có thể quản lý dòng tiền để thu hồi nợ.

Ông Minh thông tin thêm, đã có 12 ngân hàng tham gia đăng ký cho vay ưu đãi tổng cộng 274.000 tỷ đồng, trong đó lãi suất vay ngắn hạn cho 5 lĩnh vực ưu tiên là 5,5%, trung dài hạn là 8-9%/năm. Các thành phần kinh tế đều có thể tham gia.

“Chương trình này mới triển khai được 22.000 tỷ đồng nên dư địa còn rất lớn. Chúng tôi xin khẳng định không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM đến cuối 2020”, đại diện NHNN khẳng định.

Với những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách như hậu kiểm thiệt hại do dịch, giảm chuẩn cho vay, ông Minh cho biết sẽ xem xét thận trọng, chính đáng theo nguyện vọng của đại bộ phận doanh nghiệp TP.HCM để kiến nghị với thống đốc.

Doanh nghiệp du lịch kêu cạn kiệt tiền

Chủ tịch Vietravel cho biết việc giải ngân gói hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng với lao động nghỉ không lương còn bất cập, chưa đồng bộ giữa các địa phương.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm