Tại buổi tọa đàm về các giải pháp để hồi phục, phát triển kinh tế trong giai đoạn “bình thường mới” hậu Covid-19 ngày 5/5, lãnh đạo TP.HCM dành gần 12 tiếng từ 9h sáng đến 20h để lắng nghe hàng chục ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp. Phần lớn đề xuất đều cho rằng dù Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ, việc triển khai cần nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa.
Doanh nghiệp lữ hành khó đủ đường
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietravel, doanh nghiệp lữ hành lớn nhất cả nước, cho biết dù quy định giãn cách xã hội đang từng bước được nới lỏng, ngành du lịch vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông dẫn chứng cơ sở lưu trú được mở cửa nhưng không có khách nên chi phí vận hành rất lớn, các địa phương chưa công bố kế hoạch mở cửa điểm đến đồng bộ nên doanh nghiệp lúng túng.
“Các công ty lữ hành ở TP.HCM và gần như trên cả nước đóng cửa 100%, đều phải cho nhân viên nghỉ không lương. Nhà hàng, khách sạn có tài sản thế chấp còn doanh nghiệp lữ hành chỉ có uy tín, thương hiệu, vay ngân hàng không được vì không có tài sản thế chấp nên ngân hàng không cho vay, dòng tiền cạn kiệt”, Chủ tịch Vietravel nói.
Các khách sạn lớn ở TP.HCM thưa thớt khách. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Với chính sách hỗ trợ giãn nợ của hệ thống ngân hàng, ông Kỳ cho biết nếu xin giãn nợ, doanh nghiệp sẽ vào nhóm tín dụng xấu và việc vay vốn sau này sẽ rất khó. Trong khi đó, mức lãi suất với gói cho vay ngắn hạn 6 tháng sau khi giảm còn trên 5%/năm theo ông vẫn chưa giúp doanh nghiệp đỡ gánh nặng chi phí tài chính.
Về gói hỗ trợ 1,8 triệu đồng cho mỗi lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp, ông Kỳ nêu thực tế việc giải ngân gói hỗ trợ này không đồng bộ giữa các địa phương và 1.700 nhân viên của Vietravel rất vất vả khi tiếp cận.
Ông Kỳ đề xuất TP.HCM có thể phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để giải ngân trực tiếp gói hỗ trợ này cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ thống kê số lượng nhân viên đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ và chi trả trực tiếp cho người lao động. Qua đó, rút ngắn thời gian gói hỗ trợ đến tay người lao động. Cơ quan chức năng sẽ hậu kiểm, xử lý các doanh nghiệp làm sai.
Ngoài ra, chủ tịch Vietravel kiến nghị thêm các biện pháp về miễn giảm, hoãn thời gian nộp thuế. “Phần thuế giá trị gia tăng (VAT) được hoãn đóng đến cuối năm nhưng các công ty lữ hành không có VAT để đóng thuế vì không có doanh thu. Nên chăng với những tháng bị ảnh hưởng nặng, có thể miễn luôn cho doanh nghiệp”, ông Kỳ nói.
Với thuế giá trị gia tăng (VAT), ông Kỳ đề xuất có thể giảm từ 10% xuống 5%. Đây là thuế gián thu, áp lên người tiêu dùng, do đó việc giảm thuế VAT xuống còn 5% sẽ kích cầu tiêu dùng khi thị trường đang rất yếu sau dịch. Ông cũng bày tỏ mong muốn thuế thu nhập doanh nghiệp có thể giảm từ trên 20% về 15-17% và miễn giảm thuế thu nhập cá nhân để người tiêu dùng tăng chi tiêu.
Doanh nhân này cho rằng để phục hồi du lịch trở lại, điều quan trọng nhất là phải giải tỏa tâm lý cho người tiêu dùng. Ông đề nghị TP.HCM có thể có thêm các chính sách miễn, giảm phí tham quan các điểm đến.
Lãnh đạo TP.HCM lắng nghe ý kiến đóng góp của giới chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp. Ảnh: HMC. |
Đề nghị miễn đóng phí công đoàn
Trong khi đó, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vật liệu xây dựng Secoin, cho rằng không nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vì theo thống kê, vẫn có 80% doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận trong quý I.
Ngược lại, rất ít doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ có lợi nhuận và đã lỗ thì cũng không có thu nhập chịu thuế. Đây mới là nhóm cần hỗ trợ nhất trong khi việc giảm thuế sẽ giúp các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán hưởng lợi.
Với ý kiến cân nhắc giảm thuế VAT, ông Hồng Kỳ nêu quan điểm không nên áp dụng đồng loạt cho tất cả các ngành. “Những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu, các mặt hàng cao cấp rồi rượu, bia, thuốc lá nếu giảm VAT sẽ khôi hài. Cái cần giảm VAT là sản phẩm thiết yếu cho người dân, nguyên vật liệu sản xuất, kể cả du lịch”, ông nói.
Chủ tịch Secoin cũng cho biết việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn. Ông nêu thực tế nhiều ngân hàng vẫn báo lãi rất cao trong quý I trong khi thị trường chung đang rất khó và mong muốn hệ thống ngân hàng có thể hỗ trợ nhiều hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn với chi phí thấp nhất.
Với giải pháp hoãn đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn, ông Kỳ đánh giá trước gánh nặng của doanh nghiệp, cần xem xét không chỉ giảm phí công đoàn mà miễn đóng trong 1-2 năm tới. Về lâu dài, cần cân nhắc giảm mức phí công đoàn so với hiện tại.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng các tập đoàn lớn cần tham gia những gói cứu trợ dưới sự tác động của Chính phủ, xem xét giảm lợi nhuận để hỗ trợ chung nền kinh tế.