Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Có thể giãn nợ gốc, lãi vay cho doanh nghiệp bất động sản khó khăn

Theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, việc giãn nợ gốc và lãi vay cho doanh nghiệp đang được tính đến.

bat dong san anh 1

Theo dự thảo nghị quyết tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hôm 17/2, một trong những biện pháp được nêu ra là giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp, dự án bất động sản đó phải phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng...

Chính phủ cũng đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Ưu tiên khách hàng có năng lực

Theo dự thảo đang được lấy ý kiến, liên quan đến các vướng mắc về nguồn vốn, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng, cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước.

Chủ trương thời gian tới là có biện pháp giảm lãi suất cho vay và tiếp tục cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản, tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn.

Đặc biệt, ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án phục vụ tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp...

bat dong san anh 2

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và có biện pháp giảm lãi suất cho vay. Ảnh: Chí Hùng.

Chính phủ cũng cho rằng kênh huy động vốn từ trái phiếu cũng cần được kiểm soát tránh đầu cơ, thao túng, thổi giá, nhưng vẫn phải đảm bảo tạo điều kiện, không cản trở doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh doanh tốt, lành mạnh có thể huy động vốn để phục hồi, phát triển.

Bộ Tài chính dự kiến được yêu cầu rà soát, đánh giá khả năng thanh toán của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023.

Trường hợp có khó khăn, doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để xem xét biện pháp hài hòa, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế. Bộ nghiên cứu phương thức doanh nghiệp hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản...

Chính phủ đồng thời chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát chặt thị trường chứng khoán phái sinh, chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp.

Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn về suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh công bố, công khai, minh bạch thông tin, bên cạnh tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác.

Trình Quốc hội thông qua 3 luật vào kỳ họp tháng 10

Với vướng mắc lớn nhất của thị trường liên quan đến pháp lý, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi.

bat dong san anh 3

Các Luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đất đai (sửa đổi) phải được trình Quốc hội vào tháng 5, dự kiến thông qua vào tháng 10. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong đó tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật đến thực Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán...; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)...

Các Luật Nhà ở (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) được yêu cầu báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10.

Các địa phương đồng thời phải tập trung cải cách hành chính, đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư các dự án bất động sản.

"Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức; bảo vệ người làm đúng nhằm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm... trong giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay", dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh.

Dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội

Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó, Chính phủ đề xuất giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội không thu tiền sử dụng đất. Chủ đầu tư có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như nhà đầu tư trong nước được giao đất có thu tiền sử dụng đất, tức được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất. Việc quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất nhà ở xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Chính phủ cũng kiến nghị lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội theo hướng đấu thầu hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nếu có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Dự thảo nghị quyết của Chính phủ cũng bổ sung chính quyền địa phương và Tổng liên đoàn lao động được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp.

bat dong san anh 4

Chính phủ cụ thể hóa các mục tiêu và giải pháp phát triển NOXH, nhà ở công nhân. Ảnh: Lê Quân.

Liên quan đến quyền lợi và ưu đãi dành cho chủ đầu tư, Chính phủ đề xuất chủ đầu tư được dành toàn bộ diện tích sàn khối đế của dự án để làm sản phẩm dịch vụ, kinh doanh thương mại, dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao và các tiện ích phục vụ cư dân.

Phần diện tích khối đế này được kinh doanh, hạch toán riêng và chủ đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ phần diện tích này. Đối với phần diện tích sàn làm nhà ở xã hội, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức theo quy định của Luật Nhà ở.

Giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội được xác định theo hướng đủ chi phí bảo trì nhà ở, thu hồi vốn đầu tư, lãi vay và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác như bán hàng, quản lý doanh nghiệp..., lợi nhuận định mức và không tính các khoản ưu đãi. Chủ đầu tư trình phương án giá lên cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua.

Về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà ở xã hội tại khu công nghiệp để cho người lao động trong đơn vị thuê lại. Đồng thời, cắt giảm điều kiện đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội xuống chỉ cần là đối tượng thu nhập thấp, còn trường hợp mua, thuê thì chỉ cần đảm bảo 2 điều kiện khó khăn về nhà ở và thu nhập thấp.

Chính phủ cũng tập trung hoàn thiện, ban hành và triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Đặc biệt, Chính phủ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022-2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện tốt trong giai đoạn 2013-2016). Trong đó, chủ đầu tư được dành 50% gói này, nửa còn lại dành cho người mua.

Chính phủ cũng yêu cầu tập trung triển khai Nghị quyết 11, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án NOXH, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo chung cư cũ.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Chủ đầu tư 7 dự án đang chờ kết luận cuộc họp tháo gỡ của UBND TP.HCM

Sau cuộc họp chiều 20/2, đến nay các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang chờ kết luận cụ thể từ phía UBND TP.HCM để sớm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến pháp lý các dự án.

'Doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình'

Thủ tướng cho rằng cơ quan quản lý, doanh nghiệp, khách hàng đều phải cùng giải quyết các vấn đề của thị trường bất động sản, nhưng trước hết chính doanh nghiệp phải tự cứu mình.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm