Chiều 18/4, mở đầu phần chất vấn tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nêu thực trạng Internet hiện xuất hiện các trang mạng giả mạo các lãnh đạo và tung tin thất thiệt. Đây cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu khác.
"Giải pháp của Bộ Thông tin và Truyền thông là gì?", đại biểu Cương đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng hành vi vu khống, bôi nhọ xúc phạm danh dự của các cá nhân và tổ chức đang diễn ra rất nóng. Thế giới ngày nay đang dịch chuyển theo hướng phát triển công nghệ thông tin và đặt ra nhiều thách thức mới cho cơ quan quản lý nói chung.
"Mạng xã hội giúp người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin hiệu quả không phân biệt không gian thời gian. Vì những đặc tính siêu việt này nên mạng xã hội có vai trò quan trọng với xã hội, nhiều nước coi đây là quyền lực thông tin mới", ông Tuấn nói.
Gỡ bỏ hơn 1.000 clip nói xấu lãnh đạo trên YouTube
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, mạng xã hội như một con đường, người tốt thì mang lại điều tốt, người xấu mang lại điều ác. Mạng xã hội lan truyền thông tin, lan truyền tới công sở, đường phố, khu chợ… mọi ngõ ngách của xã hội.
Phát triển các mạng xã hội do Việt Nam cung cấp
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để quản lý các trang mạng xã hội do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, Bộ đang thúc đẩy việc phát triển các trang mạng xã hội do người Việt Nam sáng tạo.
Về lâu dài mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sẽ phải cạnh tranh tương đương với các trang mạng xã hội của nước ngoài như YouTube, Facebook.
Tin tốt mang hiệu ứng tích cực và tin xấu thì mang lại hệ quả vô cùng tai hại - đây là điều gây đau đầu cho các nước trên thế giới.
Theo Bộ trưởng, các trang được cấp phép ở Việt Nam thì phần lớn tuân thủ lập pháp nhưng những mạng xã hội nước ngoài, cung cấp thông tin xuyên biên giới như Google, YouTube, Facebook lại được nhiều người dùng thiếu hiểu biết cung cấp thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống.
Về giải pháp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết khi báo chí chính thống không đầy đủ và chậm, người dân sẽ tìm đọc trên mạng xã hội. Luật pháp của Việt Nam có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm. Tính từ đầu 2017 tới ngày 12/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 10 trường hợp vi phạm.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trong buổi chất vấn chiều 18/4. Ảnh: Hiếu Duy. |
Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, trước đây việc yêu cầu Google, YouTube, Facebook gỡ bỏ các thông tin xấu khó khăn, nhưng gần đây thông tư 38 đã tạo hành lang pháp lý để xử lý vi phạm trên các rang mạng xã hội này.
Các đơn vị chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ 2.200 clip nói xấu bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube. Tới nay Google đã gỡ bỏ hơn 1.000 clip trên YouTube. Trong đó, một tài khoản YouTube đăng tải 500 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo.
Để ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, khi làm việc, Giám đốc đối ngoại của Google cho biết họ cũng chưa kiểm soát được clip đăng trên mạng vì mỗi phút có hàng trăm lượt clip được tải lên.
"Tuy nhiên, chúng ta đưa ra một danh sách và yêu cầu họ sàng lọc, chúng ta sẽ tiếp tục làm việc để có cơ chế ngăn chặn các thông tin xấu, độc... Chúng tôi cũng đang làm việc với Facebook để gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo trên trang mạng xã hội này. Giám đốc nội dung của Facebook cũng sẽ làm việc với chúng tôi", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao đổi.
Xem thế giới động vật còn hơn game show trên tivi
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi về giải pháp của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trước việc các chương trình truyền hình chứa nhiều thông tin nhảm khiến nhiều người dân bảo rằng "thà xem chương trình thế giới động vật còn hơn xem game show trên tivi".
Nhìn nhận đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay, vừa qua nhiều chương trình đã đưa tin không chính xác, thậm chí ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp như: Phóng sự "Dùng chổi quét rau"; "Nước mắm nhiễm asen"... Một số chương trình game show... của VTV, HTV đã dàn dựng chi tiết không đúng sự thật, hình ảnh phản cảm. Bộ đã có những hình thức nhắc nhở, xử phạt nghiêm khắc.
Để tránh những sai sót như trên trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công tác hậu kiểm; xử lý nghiêm sai phạm. Thậm chí, Bộ có thể áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của cơ quan báo chí sai phạm...
Phát biểu tại buổi chất vấn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo đánh giá của hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật Kaspersky, Việt Nam là một trong những nước nằm trong top đầu về mất an toàn thông tin. Việt Nam đứng số một thế giới về việc lây nhiễm các phần mềm độc hại, thứ 10 thế giới về lây nhiễm qua các hành thức trực tuyến. Tỷ lệ thư rác ở VN luôn luôn đứng trong top 3 về tổng số lượng.
“Trong thời đại công nghệ thông tin, lỗ hổng về an ninh mạng sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ như an ninh, quốc phòng. Vì vậy, chúng ta phải chủ động cung cấp thông tin chính thức trước thông tin đại chúng, để tránh thông tin nội dung xấu, độc hại, xuyên tạc trên mạng xã hội”, Phó thủ tướng nói.