“Chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng. Trong thời đại của Internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang – Phó giám đốc Trung tâm CECODES, chia sẻ tại Hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững”, ngày 12/4.
Tác giả của cuốn “Thiện, Ác và Smartphone” cho rằng sự vô hình của những cư dân mạng khác cũng làm chúng ta có xu hướng thờ ơ với nỗi đau của họ. Chúng ta không hình dung ra đằng sau cái bình luận hay cái avatar đó là một con người bằng xương bằng thịt.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Ảnh: VPIS. |
Chia sẻ về thực trạng tin giả và phát ngôn gây thù ghét (hate speech) tại Thụy Điển, tiến sĩ Andreas Mattsson, Giám đốc Trường Báo chí & Truyền thông, Đại học Lund, cho biết những phát ngôn gây thù ghét tồn tại trên mạng xã hội đang đe dọa sự tự do và an toàn của người dùng Internet tại quốc gia này, đặc biệt là vấn đề kỳ thị giới tính khi những chỉ trích thường nhắm phần nhiều tới nữ giới.
Theo tiến sĩ Andreas Mattsson, đây là một vấn nạn toàn cầu, do đó, việc cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng.
Còn tiến sĩ Phạm Hải Chung, đồng Trưởng ban Internet & Truyền thông, Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), đã liệt kê ra một số “kiểu” phát ngôn gây thù ghét phổ biến trên mạng xã hội.
Đó có thể là những phát ngôn kỳ thị người khuyết tật, vu khống bịa đặt thông tin, kỳ thị dân tộc/giới tính/tôn giáo, hoặc nói xấu, phỉ báng người khác…
Các trường hợp phát ngôn gây thù ghét mà người dùng mạng rơi vào, chủ yếu là nói xấu, phỉ báng (61,7%) và vụ khống, bịa đặt thông tin (46,6%). Nguồn: VPIS. |
Theo tiến sĩ Phạm Hải Chung, nhiều người đã lầm lẫn giữa phản biện, nói ra sự khác biệt với tấn công cá nhân, phát ngôn gây thù ghét trên mạng xa hội. “Chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt, văn hóa phản biện, nhưng không được quên yếu tố nhân văn với đồng loại” là điều mà tiến sĩ Chung nhấn mạnh.
Cũng từ đó, tiến sĩ Phạm Hải Chung cho rằng để hạn chế “hate speech”, cần có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, với các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet, để đảm bảo các nội dung gây thù ghét được lọc nhanh hơn, chuẩn xác hơn, cũng như khiến cho các đối tượng thường xuyên đưa ra “hate speech” nhận ra đâu là điều sai trái.
Những nội dung liên quan được coi là phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội. Nguồn: VPIS. |
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó tổng Giám đốc Cấp cao phụ trách Marketing của Suntory PepsiCo Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp cho biết trong thời gian gần đây, tin giả và phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội nhắm vào một số nhãn hàng của công ty đã làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới uy tín doanh nghiệp.
Điều này gây ra nhiều vấn đề hơn chúng ta nghĩ: nhãn hàng bị ảnh hưởng về uy tín, người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin.
Thạc sĩ Cao Hoàng Nam, Điều phối viên trưởng của VPIS, đề xuất một số quy tắc ứng xử đối với mạng xã hội tại Việt Nam dựa trên Bộ quy tắc ứng xử của Liên minh châu Âu và Facebook, Microsoft, Twitter và Youtube.
Theo đó, các công ty công nghệ thông tin (CNTT) sẽ đi đầu về chống lan truyền các chủ đề thù hận, nói xấu trên mạng và thống nhất với cơ quan quản lý Việt Nam về một bộ quy tắc ứng xử cam kết công khai.
Ông Nam cho rằng các công ty CNTT cần có một quy trình rõ ràng và hiệu quả để xem xét thông báo liên quan đến các thông tin thù hận, nói xấu bất hợp pháp để có thể loại bỏ hoặc vô hiệu hóa nội dung đó.
Sau đó, các công ty này xem xét yêu cầu bằng việc đối chiếu các quy định, chính sách cộng đồng của công ty cùng các đạo luật hiện hành của Việt Nam để loại bỏ các thông tin bất hợp phát trong 24 giờ và loại bỏ hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập vào nội dung này nếu cần thiết.