Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vấn nạn 'ném đá giấu tay', bôi nhọ trên mạng xã hội

Theo kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội, 78,1% người được khảo sát đã trở thành nạn nhân của những phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội.

Theo thống kê của Chương trình nghiên cứu Internet & Xã hội (VPIS), Việt Nam đang có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 37% dân số, đây là tỷ lệ cao so với mức độ trung bình toàn cầu là 31%. Trung bình mỗi ngày một người Việt Nam vào mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút.

Mạng xã hội ngày càng phát triển, kèm theo đó có không ít phát ngôn gây tổn hại tới các cá nhân và doanh nghiệp.

Nhiều người ném đá giấu tay trên mạng

Phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp (illegal hate speech) ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay ở Việt Nam với rất nhiều trường hợp nằm ngoài sự điều chỉnh của luật pháp.

nan nhan cua mang xa hoi anh 1
Tiến sĩ chuyên ngành truyền thông Phạm Hải Chung. 

Hiện chưa có khái niệm đầy đủ về "hate speech" (phát ngôn gây thù ghét). Nhưng có thể tạm hiểu là phát ngôn chế nhạo, phỉ báng, quấy rối, khuyến khích những người có thái độ căm ghét, hay xúi giục tấn công người khác ngoài đời thực về giới tính, sắc tộc, tôn giáo hay khuyết tật.

Theo khảo sát ban đầu của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), người Việt Nam chưa biết hết các biện pháp để bảo vệ bản thân trên mạng xã hội.

Internet cho người ta công cụ là "hòn đá vô hình" để ném đá người khác. Nhiều người từng bắt gặp việc bị lập các tài khoản Facebook giả bằng thông tin, hình ảnh về gia đình con cái của họ với mục đích để bôi nhọ danh dự cá nhân. 

Điện thoại thông minh có kết nối Internet giúp mọi người có khả năng kết nối với cả thế giới. Nhiều người còn nhớ clip cảnh sát khu vực vào khám nhà và nhổ nước bọt vào mặt dân. Nhờ chiếc điện thoại ghi lại hết những gì xảy ra, công bằng đã được trả lại cho người dân sau đó.

nan nhan cua mang xa hoi anh 2
Các trường hợp phát ngôn gây thù ghét mà người dùng mạng rơi vào, chủ yếu là nói xấu, phỉ báng (61,7%) và vụ khống, bịa đặt thông tin (46,6%). Nguồn: VPIS.

Ngược lại khi bức tranh không hoàn thiện, hay bị sắp đặt có thể khiến xã hội tạm thời hiểu sai cả một vấn đề lớn. Khi chiếc điện thoại thông minh giơ lên, từ chuyện một hoa hậu có dáng ngủ chưa đẹp, cô giáo mắng học sinh, cán bộ phanh áo khi tiếp dân, nhà sư lỡ lời, bác sĩ gác chân khi trực, hay hình ảnh bảo vệ cõng cán bộ trời mưa… đều có thể trở thành “tâm bão”.

Bởi đám đông vốn tư duy chủ yếu bằng hình ảnh và cảm tính. Một bức ảnh bị cắt góc thì chỉ thấy một mảng tối của vấn đề và góc nhìn của người chụp. Báo chí và cư dân mạng từng lên án vụ việc "con đánh cha tại Hải Dương", hay vụ "siêu xe lắp biển xanh tại Cần Thơ"... nhưng đều là thông tin giả. Điều đó cho thấy không chỉ cá nhân mà cả các tổ chức đều có thể là nạn nhân của những phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội.

Nếu như trước đây hàng xóm tò mò muốn biết chúng ta làm gì họ sẽ tới nhà giả vờ tiếp cận, quan sát, ngày nay, họ chỉ cần vào Facebook và nghiên cứu chúng ta.

Nhiều nhà nghiên cứu tại Anh ví thông tin cá nhân trên Internet giống như tài sản trong căn nhà mở toang cửa, có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào.

Sẽ có những người lợi dụng đám đông trên mạng xã hội mà nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng đó là "người thổi sáo". Những "người thổi sáo" sẽ lợi dụng đám đông để tấn công cá nhân, các đơn vị, tổ chức trong cả kinh doanh, cạnh tranh và chính trị.

Nhiều nước xử phạt mạnh việc rình rập trên mạng

Phát ngôn gây thù hận thường lan toả nhanh và thường xuyên trên mọi nền tảng thông tin, đặc biệt mạng xã hội.

Thế giới còn đang tranh cãi rất nhiều ranh giới giữa tự do ngôn luận, "hate speech" và các quy định về "hate speech". Ở nhiều nước, nạn nhân của "hate speech" thường tìm kiếm sự công bằng dựa trên luật dân sự hoặc hình sự.

Chính vì vậy, năm 2016, Ủy ban châu Âu và các ông trùm công nghệ lớn đã ký thỏa thuận ngăn chặn. Hiện trên YouTube bạn có thể bấm (Flag inapproriate content) để cảnh báo trang này có nội dung gây thù hận (trong bộ hướng dẫn quy định nội dung) cho Google.

Cách đây không lâu, Nhật đã thông qua luật ngăn chặn các phát ngôn gây thù hận, trong đó có luật cấm rình rập trên mạng xã hội, người ta có thể phải đi tù 6 tháng đến 1 năm vì tội rình rập người khác trên mạng xã hội. Trong 5 năm vừa qua, London (Vương quốc Anh) có 2.500 người bị bắt giữ vì tội gửi tin nhắn mang tính chất sỉ nhục trên mạng xã hội.

Khi Internet cho chúng ta công cụ giết người vô hình, mà không có một bộ lọc pháp lý vừa đủ, kịp thời, thì chính cá nhân chúng ta, hay doanh nghiệp đang và có thể sẽ là nạn nhân của "hate speech".

Có những điều nói ngoài cuộc sống lời nói gió bay, nhưng những điều lưu giữ trên Internet có thể tồn tại mãi mãi. Những thông tin lưu giữ trên mạng xã hội có thể gây áp lực khiến nhiều người bị tổn thương có thể dẫn tới tự tử. Vì vậy, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là cần thiết để giúp những người sử dụng, doanh nghiệp có thể được bảo vệ.

Tiến sĩ Phạm Hải Chung (giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Truyền thông tại Đại học Tổng hợp Bournemouth, Vương Quốc Anh. Tiến sĩ hiện giảng dạy các môn Lý thuyết truyền thông hiện đại, Truyền thông Tiếp thị Tích hợp (IMC), Nghiên cứu và đánh giá trong quan hệ công chúng, Truyền thông liên văn hóa (ICC).

 


Tiến sĩ Phạm Hải Chung

Bạn có thể quan tâm