Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt vô tình làm cho hình ảnh đất nước xấu đi trên mạng xã hội

Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho rằng dù người Việt Nam rất yêu nước nhưng khi lên mạng xã hội lại vô tình làm cho hình ảnh của đất nước xấu đi.

Kết quả khảo sát do Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) thực hiện cho thấy có đến 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định đã từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên MXH.

Việc xóa bỏ thông tin gây thù ghét còn chậm

Theo GS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi lớn cho công dân toàn cầu có thể tự do kết nối và chia sẻ.

"Tuy nhiên, nó cũng trở thành công cụ miễn phí và vô hình mà bất cứ ai có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực và thù hận (hate speech) với cá nhân và tổ chức", GS Minh nói trong hội thảo "Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường xã hội an toàn và phát triển bền vững" sáng 12/4.

Hội thảo do Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp tổ chức.

thu ghet tren mang xa hoi anh 1
Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử  Ảnh: Hoàng Như. 

Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, lấy ví dụ về việc thông tin giả được tung lên Facebook về hình ảnh "đoàn xe về Chủ tịch Quốc hội về thăm quê" để nói về việc cần nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam. Ông nhận định, dù người Việt Nam rất yêu nước nhưng khi lên mạng xã hội lại vô tình làm cho hình ảnh của đất nước xấu đi.

"Ví dụ khi theo dõi các bình luận về MV của Sơn Tùng M-TP trên Youtube, trong khi người dùng mạng xã hội trên thế giới tranh luận văn hóa thì các bạn trẻ Việt Nam lại có những bình luận không đẹp", ông Lê Quang Tự Do nói.

Theo ông, cần phải xây dựng một "Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam" để hướng tới xây dựng môi trường an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng tại Việt Nam. Bộ quy tắc được xây dựng trên Bộ quy tắc ứng xử của Liên minh châu Âu với Facebook, Microsoft, Twitter và YouTube.

thu ghet tren mang xa hoi anh 2
Giáo sư Mans Svensson (Viện Nghiên cứu Internet, Đại học Lund, Thụy Điển). Ảnh: Hoàng Như.

Còn GS Mans Svensson (Viện Nghiên cứu Internet, Đại học Lund, Thụy Điển) cho rằng bộ quy tắc ứng xử trên mạng mạng xã hội nên đưa ra chuẩn mực để nhiều người ủng hộ hơn thay vì sử dụng quá nhiều chế tài xử phạt.

"Ở Thụy Điển, do trình độ và tư duy được nâng cao người dân có khả năng phản biện tốt hơn đối với thông tin giả (fake news) trên mạng xã hội", GS Mans Svensson chia sẻ.

Xử phạt nặng việc phát ngôn gây thù ghét

Trong khi đó, nghiên cứu sinh Lê Thị Liên Hương, Đại học Poitier, cho biết tại Pháp, một nghị sĩ từng bị xử phạt 3.000 EU vì cho bạn đăng phát ngôn thù ghét trên trang cá nhân của mình. Một số người dùng mạng xã hội tại Pháp bị xử phạt khi có phát ngôn ủng hộ khủng bố hay kỳ thị sắc tộc.

Theo bà Liên Hương, gần đây Facebook cũng có những động thái tích cực chống phát ngôn thù ghét trên mạng, kêu gọi sự đoàn kết đề cao các giá trị nhân văn, khuyến khích sinh viên lập ra các chiến dịch chống các tư tưởng cực đoan.

Các trang mạng xã hội hiện đều cài đặt chức năng "thông báo vi phạm" cho phép người dùng báo cáo những nội dung sai sự thật, kích động thù hận, song, việc xóa bỏ còn chậm, không nhiều và chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế.

"Ở Việt Nam các phát ngôn thù ghét không thiếu trên mạng xã hội như 'thích thì chửi', 'không đồng quan điểm thì lăng nhục'. Vì vậy Việt Nam cần áp dụng các biện pháp để chống lại", bà Liên nhận định.

thu ghet tren mang xa hoi anh 3
Toàn cảnh Hội thảo "Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường xã hội an toàn và phát triển bền vững" . Ảnh: Hoàng Như.

Theo Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), điều kiện mà Liên minh châu Âu đưa ra là những phát ngôn mang tính tiêu cực phải được Facebook, Twitter và Youtube xoá bỏ khỏi mạng xã hội trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo.

Các nước EU mong đợi qua “bộ ứng xử online" này, những lời vu khống, phát ngôn truyền bá bạo lực sẽ không còn chỗ đứng trên mạng xã hội. Theo lời của bà Vera Jourova, đại diện của EU, việc ngăn chặn những phát ngôn tiêu cực chính là bước đi đúng đắn để tạo ra một không gian mạng dân chủ và tự do.

Đức là nước đi đầu trong việc thực thi bộ quy tắc ứng xử này bằng cách hợp tác với Facebook để gỡ bỏ thông tin độc hại mang tính chất phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Chính phủ nước này đã thông qua điều luật bất cứ mạng xã hội nào không gỡ bỏ những tin giả, phát ngôn gây thù ghét hay các thông tin bất hợp pháp khác sẽ nhận hình phạt lên tới 50 triệu euro.

Vấn nạn 'ném đá giấu tay', bôi nhọ trên mạng xã hội

Theo kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội, 78,1% người được khảo sát đã trở thành nạn nhân của những phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội.

Hoàng Như - Công Khanh

Bạn có thể quan tâm